MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kê khai tài sản của cán bộ, công chức: Cần có một cơ quan chuyên xác minh

XUÂN HẢI LDO | 12/09/2017 11:00
Trao đổi với Lao Động ngày 10.9 về việc báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Thanh tra Chính phủ nêu trong hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản chỉ có 3 trường hợp vi phạm, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - cho rằng, đây là con số do các bộ, ngành, địa phương báo cáo lên, Thanh tra Chính phủ chỉ tập hợp lại và báo cáo tại phiên họp toàn thể do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây. Ông Đạt cho rằng, cần có một cơ quan chuyên xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

Ông Phạm Trọng Đạt. Ảnh: M.M

Phải xử lý hình sự những trường hợp kê khai tài sản không trung thực

Nói về việc dư luận cho rằng trong hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện được 3 trường hợp vi phạm là quá ít, cần có giải pháp để việc kê khai tài sản của cán bộ có chức quyền không hình thức, ông Phạm Trọng Đạt cho hay, hiện tại việc xác minh kê khai tài sản của cán bộ công chức được quy định trong 4 điều kiện sau:

Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Do vậy, để thẩm định việc kê khai tài sản của quan chức, Chính phủ đang trình Quốc hội dự Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi theo hướng cần có một cơ quan chuyên xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ công chức.

Ngoài ra, ông Đạt cũng cho biết, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xem bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ dưới quyền thấy có vấn đề gì bất thường với thực tế, thu nhập của người cán bộ thì phải có trách nhiệm cử người đi xác minh và yêu cầu người cán bộ đó giải trình về nguồn gốc số tài sản có được. Có như vậy người đứng đầu mới kiểm soát được cán bộ của mình.

“Nguyên tắc kê khai tài sản thu nhập là tự nguyện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức. Sau này sửa luật, đối tượng phải kê khai đúng tài sản của mình, nếu trường hợp nào không kê khai đúng và bị các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu của việc tham nhũng thì phải xử lý, thậm chí xử lý ở mức hộ hình sự để răn đe, làm nghiêm, chứ không dừng lại ở mức độ kiểm điểm và rút kinh nghiệm” - ông Đạt nói.

Cần công khai bản kê khai tài sản của cán bộ trên mạng Internet

Cho rằng việc kê khai tài sản như hiện nay còn nặng tính hình thức cần phải quy định chặt chẽ trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền đề nghị, cần quy định lại các trường hợp nào phải kê khai tài sản.

Ông Xuyền cho rằng, quy định về các đối tượng phải kê khai tài sản hiện nay quá rộng nhưng không ai kiểm tra, giám sát việc kê khai có đúng hay không và bản kê khai không được công khai. Do vậy sẽ dẫn đến kê khai tài sản của cán bộ công chức hiện nay vừa hình thức, lại tốn kém, chưa 
hiệu quả.

“Hôm qua, Thanh tra Chính phủ có giải trình Ủy ban Tư pháp về dự Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, tuy nhiên Ủy ban Tư pháp chưa đồng tình với nhiều nội dung của dự án Luật, trong đó, có nội dung về kê khai tài sản” - ông Xuyền cho hay.

Theo ông Xuyền, để kê khai tài sản được thực chất, nên thu gọn đối tượng phải kê khai để tránh kê khai quá nhiều, lan man, không mang lại hiệu quả. Ví dụ như, chỉ cán bộ cấp trưởng ở quận, huyện mới phải kê khai tài sản, còn các trường hợp khác thì không đưa vào diện phải kê khai tài sản. Hoặc trước khi bổ nhiệm đề bạt cán bộ cần phải kê khai tài sản và phải xác minh xem cán bộ đó kê khai có đúng không để giám sát trong quá trình công tác hằng năm người cán bộ đó có tài sản bất minh hay không.

Ông Xuyền cho hay, nhiều nước họ kiểm soát tài khoản thu nhập của quan chức rất chặt chẽ, nên khi quan chức mà mua nhà thì cơ quan quản lý họ biết ngay số tiền đó có nguồn gốc do đâu mà có. Còn ở ta, việc kê khai tài sản thu nhập hiện nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi cán bộ, công chức.

Để việc kê khai tài sản thực sự hiệu quả, ông Xuyền cho rằng, bên cạnh việc thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản như hiện nay thì cần công khai bản kê khai tài sản của cán bộ công chức trên mạng Internet để dân giám sát. Vì cán bộ công chức thuộc diện phải kê khai hưởng lương từ ngân sách nhà nước do dân đóng thuế mà có, do vậy việc công khai bản kê khai tài sản cán bộ có chức quyền để dân giám sát là hợp lý và minh bạch.

“Đối với trường hợp cơ quan chức năng phát hiện được tài sản của cán bộ công chức không có nguồn gốc rõ ràng, cán bộ không chứng minh được nguồn gốc số tài sản của mình do đâu mà có thì cơ quan có thẩm quyền cần phải thu hồi ngay số tài sản này để sung công, tránh tẩu tán tài sản. Và nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải xử lý nghiêm” - ông Xuyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn