MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Tổng Giám đốc Audrey Azoulay tại lễ kỷ niệm ngày 6.9. Ảnh: Hải Nguyễn

Kế thừa, phát triển hiệu quả di sản lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thanh Hà LDO | 06/09/2022 20:13
Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân.

Chiều 6.9, tại Hà Nội diễn ra lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Vào thời điểm đó, Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn. Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách”.

Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà ngoại giao lỗi lạc, là khởi nguồn cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, yêu Bác chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách thực chất, thường xuyên, sáng tạo và khoa học. Ảnh: Hải Nguyễn

Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, nhiều năm qua, với tình cảm yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên khắp năm châu đều có những trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tác phẩm văn học, thơ ca, thước phim tư liệu về Người đã, đang được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi.

Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc lại câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết vào đúng ngày 6.9 cách đây 53 năm: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, yêu Bác chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách thực chất, thường xuyên, sáng tạo và khoa học.

Tổng Giám đốc  UNESCO Audrey Azoulay. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Audrey Azoulay chia sẻ, vào năm 1987, UNESCO mới có 155 thành viên nhưng con số này hiện nay là 193. Ở thời điểm đó, UNESCO đã xét quyết định vinh danh hai lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Jawaharlal Nehru với những giá trị trường tồn của di sản hai danh nhân này để lại cho thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Hiện nay, việc kế thừa và phát triển một cách hiệu quả nhất di sản tốt đẹp này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc.

Tổng Giám đốc Audrey Azoulay cam kết, bằng những thành tựu hợp tác trước đó, UNESCO sẽ tích cực hơn nữa trong hợp tác với Việt Nam thời gian tới.

Ảnh: Hải Nguyễn
Cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” được giới thiệu chiều 6.9. Ảnh: Linh Bùi

Nhân dịp này, ban tổ chức lễ kỷ niệm cũng giới thiệu cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” và tổ chức tham quan triển lãm ảnh, sách về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn