MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều loại sách bài tập khác nhau đang được rao bán trên thị trường. Ảnh: Chụp màn hình

Kết luận thanh tra tại Bộ GDĐT chỉ ra dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong in ấn sách bài tập

Lam Duy LDO | 16/04/2024 20:48

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện 9 kết luận thanh tra của cơ quan này, trong đó có kết luận thanh tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong in ấn, phát hành sách bài tập.

Kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra tại nhiều bộ, ngành

Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 16.4, Thanh tra Chính phủ trong năm 2024 sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện 9 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong đó kiểm tra chính thức đối với 7 kết luận thanh tra và dự phòng 2 kết luận thanh tra.

Đây là các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT); Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh: Quảng Trị, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Thọ, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang và các đơn vị có liên quan.

Trong số này có Kết luận thanh tra số 379/KL-TTCP ngày 29.12.2021 về thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án Xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017;

Và Kết luận thanh tra số 955/KL-TTCP ngày 14.9.2022 về thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Trong các kết luận thanh tra nói trên, kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo gây nhiều chú ý trong dư luận và người dân do có nhiều nội dung liên quan đến sách giáo khoa.

Thanh tra Chính phủ nêu dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Ảnh: Chụp tài liệu

Dấu hiệu lợi ích nhóm trong in sách giáo khoa

Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, trong một thông báo kết luận thanh tra ban hành cuối tháng 12.2022, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm tại Bộ GDĐT trong công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa.

Kết luận gây chú ý là từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, có 73/193 cuốn sách giáo khoa (học sinh có thể viết vào) được in, phát hành và bán được tổng số 303.058.000 bản. Thanh tra Chính phủ nhìn nhận, trường hợp tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thế viết vào không dùng lại được gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội, giá trị lãng phí (tạm tính) lên tới hơn 2.374 tỉ đồng.

Cũng theo thông báo kết luận thanh tra nói trên, Bộ GDĐT ban hành Văn bản số 2372 năm 2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Việc sách bài tập được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành như trên là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT sau đó có ban hành một văn bản quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372 nêu trên.

"Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GDĐT là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập" - Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục tổ chức ngày 8.12.2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị đối với việc xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, Bộ GDĐT và các bộ, ngành, các tỉnh thành phố liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kiểm điểm trách nhiệm song song với việc thực hiện kết luận thanh tra để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cũng yêu cầu, những kiến nghị tại kết luận thanh tra cần được thực hiện một cách triệt để, qua đó giúp cho việc quản lý nhà nước về giáo dục ngày một tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn