MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Q.H

Kết nối các trụ cột của nền kinh tế, tận dụng nguồn lực để phát triển

VƯƠNG CHUNG HÀ LDO | 04/11/2020 07:27
Tại phiên họp ngày 3.11, các đại biểu cho rằng, dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ổn định, GDP vẫn tăng trưởng dương. Nhiều đại biểu nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm 2020, phương hướng năm 2021 phụ thuộc khá nhiều vào tình hình khống chế dịch bệnh của chúng ta.

Có chiến lược lâu dài để giảm thiểu thiệt hại của bão lụt

Tại phiên thảo luận ngày 3.11, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự chia sẻ với những mất mát do thiên tai, lũ lụt với đồng bào miền Trung trong thời gian qua, đồng thời, cũng đưa ra các phân tích, đánh giá để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nêu ý kiến, phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc. Nước ở thượng nguồn là nguyên nhân kích hoạt cho lũ quét và sạt lở đất, cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn” - ông Thắng nêu ý kiến.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho hay, chúng ta cần có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt, chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực mới cũ.

Đến việc cấp thiết hiện nay như là cập nhật bản đồ sạt lở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt.

Coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu các ý kiến về việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mức tăng trưởng của năm 2020 dù thấp thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5% năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được, bởi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.

Bên cạnh chính sách tiền tệ mà chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua, ông Chiến cho rằng, cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa, ưu tiên phát triển du lịch, khai thác tiềm năng đặc biệt này của Việt Nam. Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất làm sao để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, sau đó là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi bắt đầu từ năm đầu tiên kế hoạch 2021-2025.

Đồng thời, ông đề nghị tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt về vấn đề nguồn nhân lực, phát huy vai trò kết nối giữa 3 trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền, kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn lực, phát triển thị trường sức lao động.

Cùng với đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ông cũng đề nghị cần tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các đối tượng đặc thù. Đặc biệt là Chính phủ sớm ban hành các quy định tạo cơ chế chính sách, kích cầu phát triển ngành du lịch, góp phần vực nhanh phát triển kinh tế thời hậu COVID-19.

Đồng quan điểm cần có biện pháp để phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP.Hà Nội) đề nghị, cần phải đặc biệt chú trọng đến đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao, coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Chính phủ và cho rằng đây là một giải pháp đúng đắn, mang tính đột phá và tạo động lực then chốt để phát triển nền kinh tế tri thức nhanh và bền vững”, bà Lan nói.

Cũng đề cập tới vấn đề này, theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm 2020, phương hướng năm 2021 phụ thuộc khá nhiều vào tình hình khống chế dịch bệnh của chúng ta. Kịch bản và các dự báo tăng trưởng trong năm sau sẽ bị thay đổi theo hướng xấu đi nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Ông đề nghị, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc phòng chống dịch COVID-19, cần bổ sung vào báo cáo phương hướng kinh tế năm 2021 các kịch bản, tương ứng với nhiều tình huống. Kịch bản 1 là khi hết dịch, kịch bản 2 là dịch đang “đủng đỉnh” như hiện nay, thứ 3 là dịch bùng phát mạnh. Việc này sẽ giúp các bộ ngành và địa phương đưa ra phương hướng phát triển kinh tế phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra.

Nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,6 triệu tỉ đồng

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) nêu ý kiến, nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,6 triệu tỉ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi năm tới khoảng 360.000 tỉ đồng. Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, năm 2021 nợ công sẽ vượt 4 triệu tỉ đồng. Với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, dù dự báo đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 46,1% GDP (theo con số đánh giá lại) và khoảng 56,6%GDP (chưa đánh giá lại), chưa vượt trần nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4%. Tốc độ tăng nợ công khoảng 11% trong 5 năm gần đây, đã vượt xa tăng trưởng kinh tế.

Chưa tăng lương cơ sở cần kiểm chế giá, kiềm chế lạm phát

Về kiến nghị của Chính phủ, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) bày tỏ sự thống nhất, tuy nhiên Chính phủ cũng cần cân nhắc trong đại dịch thì hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí và các tầng lớp nhân dân đã hết lòng ủng hộ từ vật chất đến tinh thần để chia sẻ khó khăn với người lao động và đất nước.

“Nên tôi đề xuất trong thời gian chưa tăng lương, đề nghị Chính phủ có giải pháp kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá cả phù hợp và theo đó có chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng cho đến khi tăng lương để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống” - ông Nguyễn Quốc Hận nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn