MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Kết quả kiểm định đầu vào công chức có giá trị 24 tháng, sử dụng trên toàn quốc

Vương Trần LDO | 28/02/2024 14:54

Kết quả kiểm định đầu vào công chức có giá trị trong 24 tháng (tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế) và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Dự kiến trong năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hai kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức, vào tháng 7 và tháng 11.

Thời gian cụ thể kỳ thi chính thức sẽ được Hội đồng Kiểm định quyết định và được thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Thời gian tổ chức thi thử kiểm định trong tháng 4.2024. Kết quả kỳ thi thử kiểm định được dùng để phân tích, đánh giá, tham khảo, rút kinh nghiệm cho kỳ kiểm định chính thức, không sử dụng để đăng ký dự tuyển công chức.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động ngày 28.2, thông tin từ Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức tập trung trên phạm vi toàn quốc sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào được sử dụng trong toàn quốc sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.

Kết quả kiểm định được công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Không cấp chứng chỉ kiểm định cho từng thí sinh mà công khai kết quả kiểm định trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng (tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế) và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng tuyển dụng sát với vị trí việc làm.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) - phân tích, kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với ứng viên trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Đây là một bước trong quy trình tuyển dụng, có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới tuyển dụng công chức ở Việt Nam hiện nay.

Theo ông Lợi, việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thực sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng.

Việc này đồng thời khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024.

Theo đó, Hội đồng Kiểm định thông báo về từng kỳ kiểm định chậm nhất 30 ngày tính đến ngày tổ chức kiểm định; đồng thời, công bố cấu trúc, đề cương chi tiết bài thi, hướng dẫn sử dụng phần mềm của kỳ kiểm định.

Thí sinh đăng ký dự kiểm định qua Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức hoặc theo nội dung trong Hướng dẫn đăng ký dự thi kiểm định. Thí sinh đăng ký dự kiểm định được quyền chọn đợt thi, địa điểm đăng ký dự thi.

Theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, kể từ ngày 1.8.2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn