MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị.

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả

VƯƠNG TRẦN LDO | 16/07/2018 14:18
Sáng 16.7, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Uỷ viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường… đã tham dự hội nghị.

Mở đầu chương trình, bà Trần Thị Bích Thủy – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện kết luận số 120-KL/TW.

Theo bà Trần Thị Bích Thủy, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân có nhiều chuyển biến.

Toàn cảnh Hội nghị.

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu. Dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn và đạt hiệu quả.

Các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, mở rộng dân chủ trong Đảng, ban hành nhiều quy định, quy chế, cụ thể hóa phương châm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ chế nhân dân giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên, trực diện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Tuy nhiên, bà Trần Thị Bích Thủy cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém như việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi, có việc còn hình thức, chưa thật sự thực chất.

Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có việc chưa đảm bảo; chưa công khai một số chương trình, dự án, công trình ở một số địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến nhân dân, quá trình triển khai có nhiều bất cập, gây thắc mắc, bức xúc, khiếu kiện có nơi xảy ra khiếu kiện vượt cấp, đông người nhưng chưa giải quyết triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách đền bù, tái định cư, thu hồi đất…

Vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi chưa cao. Việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các chuyên đề khác nhau liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn có báo cáo chuyên đề về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong phát huy vai trò của nhân dân thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo chuyên đề về vai trò của Công đoàn trong tham gia thực hiện Nghị định 60 về việc thực hiện quy chế dân chủ nơi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn