MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vẫn đang tồn đọng bùn thải chưa có hướng giải quyết. Ảnh: P.V

Khả thi nhưng phải làm thận trọng

THÔNG CHÍ - ĐỨC THÀNH LDO | 26/07/2017 09:00
Tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị Trung ương cho phép sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, lấn biển… thay vì nhận chìm như trước đây để hạn chế việc tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, việc này không hề đơn giản và phải hết sức thận trọng (!)

Bồi lấp có khả thi…

Sau những lùm xùm liên quan đến việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn nạo vét tại Cty nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận lại đang đối mặt với 2,4 triệu m3 bùn thải khác. Khối lượng bùn này là của TCty phát điện 3 và có khối lượng gấp hơn 2 lần so với lượng bùn còn tồn chưa lối thoát của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Bế tắc trong hướng giải quyết, mới đây, tỉnh Bình Thuận đã làm văn bản đề xuất kiến nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo hướng xử lý. Cụ thể, ngày 24.7, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỉnh đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng về hướng xử lý bùn nạo vét tại Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Tổng công ty phát điện 3.

Ông Hùng cho biết, để tránh việc ảnh hưởng tới môi trường, tỉnh Bình Thuận “kiến nghị sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, phục vụ các công trình lấn biển. Giải pháp này cũng phải qua các khâu đánh giá tác động môi trường kỹ càng, nhưng nó có tính ưu điểm là có kè, nhốt vật chất lại, khỏi lây lan cho vùng biển khác”.

Vấn đề này, chuyên gia môi trường đánh giá về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào lại là bài toán cần phải tính toán rất tỉ mỉ, kỹ càng chứ không phải cứ khoanh vùng lại, đổ bùn xuống là xong. Giáo sư Trần Xuân Côn - Khoa Hóa học, ĐHKHTN Hà Nội cho biết: “Về nguyên tắc, việc này có thể làm được, nhưng đổ vào đâu và đổ như thế nào lại là chuyện khác. Có thể sử dụng bùn thải này để bồi đắp, nhưng làm sao để không ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh và phải tính toán chính xác động lực của biển để tránh trường hợp bồi chỗ này lại dẫn tới việc bị lở chỗ kia. Việc không đơn giản chỉ đổ vật chất ấy xuống, quây bờ bao lại là xong. Việc này phải tính toán rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Tức là phải điều tra, khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để vừa không thay đổi hệ sinh thái tại chỗ mà đồng thời lượng vật chất đem bồi lấp không bị đánh trôi hoặc gây xói lở ở khu vực khác. Về chi phí thì cũng phải tính toán, nếu tìm được khu vực bồi lấp ở gần khu vực đó thì sẽ thuận lợi, ít ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như môi trường biển hơn việc nhận chìm ngoài biển. Nhưng nếu làm không đúng thì có khi còn tai hại hơn. Quan trọng là phải mời đúng người thực sự am hiểu, người thực việc thực, làm việc một cách nghiêm túc mới có hiệu quả”.

…Nhưng bồi lấp vào đâu?

Trong khi đó, GS. TSKH Lê Huy Bá (Đại học KHTN TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Số bùn thải ấy đem bồi lấp, lấn biển hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện. Nhưng làm thế nào để cách biệt môi trường biển bởi để bù lấp, lấn biển thì phải có phương pháp tránh rửa trôi, xói mòn ra biển”. Đồng thời, GS Bá đề xuất nên chăng trước khi bồi lấp có thể đóng khuôn các vật chất đó lại, đóng khô như gạch để hạn chế việc tan rã hòa tan vào nước tránh việc vật liệu này dễ dàng bị lây ra biển.

Về mặt chuyên môn, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng “Quan trọng nhất lúc này là cần phải có kết quả xét nghiệm để xem bùn thải đó gồm có những chất gì, có hay không có những chất gây ảnh hưởng tới môi trường biển nói riêng và môi trường nói chung, từ đó mới có thể quyết định được có thể cho bồi lấp hay không. Nếu không có các chất gây hại cho môi trường biển thì sử dụng lấn biển được. Tuy nhiên, ngay cả khi bùn thải không gây hại cũng không có nghĩa là việc thực hiện lấn biển luôn mang lại thành công như mong muốn. Trong trường hợp có chất gây hại cho môi trường, lúc này cần phải dùng phương pháp chuyên môn để xử lý làm sạch các chất thải có khả năng gây ô nhiễm trước khi quyết định các bước tiếp theo. Ngoài ra, còn phải cân nhắc lợi ích giữa việc xử lý được bùn thải, cơi nới được lục địa, nhưng gây tổn hại tới sinh quyển ở khu vực bồi lấp, bởi chỗ này có thể bồi lấp được nhưng chỗ khác chưa chắc đã được. Mục tiêu đề ra có ảnh hưởng tới sinh quyển hay không là bài toán phải cân nhắc thấu đáo”(!)

Cho tới lúc này, ngoài văn bản kiến nghị xin chủ trương cho phép sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, lấn biển, tỉnh Bình Thuận chưa có thông tin gì khẳng định đã xác định được khu vực cần bồi lấp hay chưa? Nếu có, tỉnh Bình Thuận đã có nghiên cứu nào khẳng định khu vực ấy phù hợp để lượng vật chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Tổng công ty phát điện 3 đủ tiêu chuẩn bồi lấp mà không gây hại tới môi trường biển hoặc hệ sinh thái tại chỗ? Cuối cùng, khu vực cần bồi lấp ấy có thể tiếp nhận tối đa được khối lượng vật chất nạo vét là bao nhiêu? Bài toán ấy vẫn chưa được tỉnh Bình Thuận làm rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn