MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khai thác tiềm năng, lợi thế để đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hàng đầu cả nước

Vương Trần LDO | 29/11/2022 09:55

Nghị quyết 30-NQ/TW xác định, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Vùng động lực phát triển hàng đầu, định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế

Sáng nay (29.11), tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cùng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng. 

Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới vào 2045

Theo Nghị quyết 30-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao...

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Chỉ tiêu cụ thể giai 2021 – 2030, tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm, đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành).

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 55%; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP; tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tầm nhìn đến năm 2045, đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Hội nghị thứ 6 về phát triển vùng

Hội nghị quán triệt triển khai về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hội nghị thứ 6 về phát triển vùng.

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 14.10.2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 23.10.2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 16.11, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn