MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống vào cuộc, khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ảnh: THANH VÂN

Khẩn trương ổn định đời sống cho người dân bị bão lũ

KHÁNH VŨ LDO | 07/11/2017 08:30
Chiều 6.11, tại trụ sở Bộ NNPTNT, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với 10 địa phương trọng điểm chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12; chỉ đạo các giải pháp ứng phó tình hình mưa lũ và triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. 

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác khắc phục hậu quả cơn bão, đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng các bộ, ban, ngành phối hợp, hỗ trợ địa phương sớm khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão gây ra.

61 người chết và mất tích, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng

Báo cáo Thủ tướng về những thiệt hại do bão số 13, Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Theo thống kê, đến 15h ngày 6.11, số người tử vong do bão số 12 là 46 người (Quảng Ngãi: 3 người, Bình Định: 3 người, Khánh Hòa: 27 người, Lâm Đồng: 3 người, Kon Tum: 1 người, Đắk Lắk: 1 người và 8 người do sự cố tàu vận tải). Số người mất tích là 15 người (Quảng Ngãi: 1 người, Bình Định: 3 người, Phú Yên: 1 người, Khánh Hòa: 5 người và 5 người do sự cố tàu vận tải).

Số nhà bị sập đổ: 1.358 nhà (Quảng Ngãi: 1 nhà, Bình Định: 125 nhà, Phú Yên: 87 nhà, Khánh Hòa: 993 nhà, Gia Lai: 16 nhà, Đắk Lắk: 119 nhà, Đắk Nông: 14 nhà, Lâm Đồng: 3 nhà). Số nhà tốc mái, hư hỏng: 114.866 nhà (Quảng Ngãi: 151 nhà, Bình Định: 616 nhà, Phú Yên: 14.504 nhà, Khánh Hòa: 97.930 nhà, Ninh Thuận: 65 nhà, Gia Lai: 140 nhà, Đắk Lắk: 1.334 nhà, Kon Tum: 27 nhà, Đắk Nông: 12 nhà, Lâm Đồng: 87 nhà).

Về tàu thuyền: Sự cố tàu vận tải tại vùng biển Bình Định: Có 10 tàu/101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên).

Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người tử vong và 5 người mất tích. Đã triển khai phương án không để xảy ra phương án tràn dầu. Số tàu cá bị chìm, hư hỏng: 1.286 tàu (Đà Nẵng: 4 tàu, Quảng Ngãi: 3 tàu, Bình Định: 19 tàu, Phú Yên: 119 tàu, Khánh Hòa: 1.141 tàu). Diện tích lúa bị ngập: 5.296ha (Bình Định: 866ha, Phú Yên: 69ha, Khánh Hòa: 3.826ha, Gia Lai: 25ha, Đắk Lắk: 410ha, Lâm Đồng: 100ha).

Diện tích rau màu bị ngập, thiệt hại: 14.849 ha. Lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản: 24.435 lồng. Hệ thống lưới điện cũng bị hư hại, trong đó, tại Phú Yên, toàn bộ trạm biến áp 110KV bị hư hỏng (đến nay đã được khôi phục và cấp điện). Khánh Hòa: 3/11 trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng đến nay chưa khôi phục được.

Các địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất là Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… cũng báo cáo về những thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 12 gây ra.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ khẩn cấp hỗ trợ các tỉnh bị bão lụt cơ số gạo để cứu đói cho người dân vì hiện tại nhiều địa phương vẫn bị ngập lụt chia cắt và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục lại cơ sở hạ tầng, sớm ổn định cuộc sống của bà con.

Không để người dân nào phải chịu đói khát

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đau thương, mất mát với những người dân vùng bão có người thân thiệt mạng, những người dân chưa tìm được thân nhân bị mất tích do cơn bão hoặc bị mất mát nhà cửa, tài sản...

“Đảng và Nhà nước chia sẻ những thiệt hại của nhân dân, nhất là những gia đình có người thân bị mất và bị thiệt hại” - Thủ tướng Chính phủ chân thành chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác dự báo, công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 12 của các cơ quan chức năng, công tác chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường tích cực và hiệu quả của lãnh đạo Bộ NNPTNT, Cục Phòng chống Thiên tai và lãnh đạo các địa phương đã ngăn chặn tối đa các thiệt hại của cơn bão.

“Công tác dự báo có tiến bộ. Công tác điều tiết hồ chứa tại miền Trung làm tốt nên hệ thống hồ chứa dày đặc nhưng hầu như không có hồ nào bị vỡ. Đây là bài học kinh nghiệm tốt cho tất cả các địa phương cũng như Ban chỉ đạo Trung ương. Công tác dự đoán, ứng phó chủ động, sáng tạo trách nhiệm cao, trong đó có nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã làm hết sức mình. Hôm nay thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá, biểu dương các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương trong việc xử lý các tình huống bão lũ vừa qua ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp, hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để nhân dân chúng ta không bị cảnh đói, màn trời chiếu đất, dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

“Các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần tập trung làm tốt nhất. Lực lượng Quân khu 5 dừng việc huấn luyện, hỗ trợ nhân dân dựng nhà và hạ tầng vùng bị thiệt hại. Phát huy tinh thần tự lực tự cường cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, làm tốt công tác hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn hạ tầng: Giao thông đi lại, điện thắp sáng, vệ sinh dịch tễ. Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương tìm kiếm người mất tích, giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân…

“Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ cơ số gạo cần thiết cho các địa phương. Ngay sau đây, Bộ NNPTNT xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương theo thứ tự ưu tiên, nhất là các địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn