MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới. Ảnh: Ngọc Tiến

Khó khăn bủa vây, tăng trưởng GDP đạt 5% là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 22/10/2023 21:19

Sáng 23.10, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 6 để thảo luận, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo đạt khoảng 5%. Các chuyên gia đưa ra quan điểm về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối năm và những năm tới.

Điểm sáng trong bức tranh màu xám của Thế giới

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng như hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine còn phức tạp. Về kinh tế toàn cầu, lạm phát vẫn neo ở mức cao; tăng trưởng thấp, không đồng đều.

“Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước phải hạ mức tăng trưởng. Vì vậy, việc chúng ta dự báo tăng trưởng GDP 5%, dù không đạt mục tiêu đề ra ban đầu nhưng vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của thế giới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy

Chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, một điểm tích cực nữa đó là bội chi ngân sách năm nay ước bằng 4% GDP, thấp hơn mức Bộ Tài chính dự toán trước đó 4,42%. Ngoài bội chi, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo ngưỡng an toàn được Quốc hội quyết định. Trong khi làn sóng nợ trên thế giới rất lớn, thì nợ của Chính phủ Việt Nam lại giữ được khá tốt, duy trì ở mức ổn định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng trưởng 4,24%, chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng rất cao trong khu vực và trên thế giới khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận đà sụt giảm.

Bà Hương lấy ví dụ, nhiều tổ chức đánh giá những khu vực có tỉ trọng lớn, đóng góp tăng trưởng kinh tế toàn cầu như EU cũng giảm từ mức 3,5% năm ngoái xuống dưới 1% trong năm nay. Do đó, Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Bà Hương cho biết thêm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương đã được thể hiện qua số liệu của tất cả các ngành và lĩnh vực.

Đơn cử, nông nghiệp đang duy trì ở mức tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhu cầu cao về lương thực và đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam đã khai thác được các thị trường, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới. Nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào cả thị trường truyền thống và thị trường mới trên trường quốc tế. Hoạt động nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: TTXVN

Công nghiệp hiện khó khăn khi châu Âu, Mỹ cũng như một số các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều sụt giảm nhu cầu. Nước ta đã cố gắng đàm phán kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nối lại thị trường và khai thác khi có dấu hiệu tích cực. Đồng thời, mở rộng thị trường, ký thêm các hợp tác đa phương và song phương.

Xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong tháng 9 đã trở lại mức tăng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và khách quốc tế khởi sắc, trong khi thu hút đầu tư của nước ngoài vẫn là điểm sáng.

Những khó khăn, thách thức còn ở phía trước

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn nhìn nhận rằng, những khó khăn, thách thức vẫn còn đang diễn ra ở phía trước khi xung đột Nga - Ukraine, hay tình hình ở khu vực Trung Đông vẫn căng thẳng. Hầu hết nền kinh tế trên thế giới vẫn chưa nhìn thấy rõ nét về khả năng phục hồi.

Để thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong biến động của tình hình thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chúng ta phải tiếp tục duy trì các giải pháp để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, tăng cầu về kinh tế, giảm thuế tiêu dùng, thúc đẩy chính sách tín dụng để tăng cầu sản xuất cho doanh nghiệp.

Góp ý về những động lực thúc đẩy kinh tế cho Việt Nam trong quý cuối năm, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam - đề xuất cần tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bởi yếu tố này nằm trong tầm kiểm soát và phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ.

Đồng thời, cũng cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ, trong đó tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Dù giải ngân đầu tư công hiện đạt 51% là mức khá cao nhưng vẫn chưa đủ so với mục tiêu đặt ra.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, lạm phát và tỉ giá đang được kiểm soát tốt. Chính phủ vì thế có dư địa lớn trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo nguồn cung tiền hiệu quả đưa vào nền kinh tế.

"Việt Nam cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn