MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tới thực hiện thủ tục hành chính tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Khó khăn trong xác định tên gọi của các đơn vị hành chính sau sắp xếp

Vương Trần LDO | 08/04/2023 06:00

Đây là một trong những khó khăn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện - cấp xã giai đoạn 2019-2021. Có nhiều trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trình Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong tờ trình này, Bộ Nội vụ nêu những kết quả đạt được trong việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. 

Theo đó, trong giai đoạn này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó, trên cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Bộ Nội vụ cho biết, qua rà soát và thống kê cho thấy, đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có số lượng các ĐVHC cần sắp xếp nhiều; các tỉnh, thành phố còn lại (15/45 tỉnh, thành phố) ở khu vực phía Nam đều có số lượng đơn vị cần sắp xếp không lớn.

Điều này cho thấy các tiêu chuẩn của ĐVHC theo Nghị quyết số 1211 tương đối phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư khu vực phía Nam trong khi việc đáp ứng các tiêu chuẩn về dân số và đặc biệt là diện tích tự nhiên ở các ĐVHC khu vực phía Bắc vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với tiêu chuẩn quy định.

Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các địa phương gặp phải một số khó khăn, trở ngại. 

Cơ quan này chỉ ra khó khăn trong việc xây dựng, lựa chọn phương án điều chỉnh, sắp xếp các ĐVHC để ảnh hưởng đến số lượng ít nhất các ĐVHC, duy trì được các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, phù hợp với đặc điểm địa hình, quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội,... 

Chính vì quá phụ thuộc vào các yếu tố này nên khi xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC, rất ít địa phương chọn được phương án để các ĐVHC hình thành sau sắp xếp có thể bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định mà phần lớn chỉ đạt một trong 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số nên sau này. Nếu yêu cầu phải tiếp tục sắp xếp để bảo đảm cả 2 tiêu chuẩn thì sẽ rất khó khăn, phức tạp. 

Việc xác định các yếu tố đặc thù không thể hoặc không nên tiến hành sắp xếp, thay đổi về địa giới ĐVHC cũng gặp không ít khó khăn bởi đơn vị nào cũng có đặc trưng, đặc thù về truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, vị trí địa lý, quốc phòng, an ninh,... Có địa phương lấy yếu tố đặc thù làm lý do để không thực hiện sắp xếp ĐVHC nhưng phần lý giải chưa thật sự rõ ràng, thuyết phục. 

Một khó khăn khác được Bộ Nội vụ chỉ ra đó là khó khăn trong việc xác định tên gọi của các ĐVHC sau khi thực hiện sắp xếp.

Có trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của ĐVHC dự kiến hình thành sau sắp xếp.

Có địa phương thì thống nhất lấy tên của một trong các ĐVHC thực hiện sắp xếp; có nơi thì ghép tên đầu - cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp nhưng như vậy thì tên gọi mới không còn ý nghĩa sâu sắc như nguyên gốc. Có địa phương thì lấy tên gọi hoàn toàn mới. 

Theo Bộ Nội vụ, so với việc nhập 2 ĐVHC thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một ĐVHC cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên ĐVHC mới sẽ làm tăng gấp 2 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các ĐVHC chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Điều này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn sau. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn