MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khăn, vướng mắc quy cho pháp luật chồng chéo là không đúng

Thùy Linh - Trần Vương LDO | 02/11/2023 06:00

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho hệ thống văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là không đúng.

"Tránh tình trạng địa phương hỏi trung ương thì không biết hỏi bộ nào"

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1.11, Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng cán bộ không dám làm, chính là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.

Vì vậy, rà soát văn bản pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư, cũng cần thống nhất để địa phương dễ hiểu, dễ thực hiện, "tránh tình trạng địa phương hỏi trung ương thì không biết hỏi bộ nào để hiểu cho đúng để thực hiện".

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng việc tổng rà soát, nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn là rất cần thiết, bảo đảm khách quan.

Tuy nhiên, mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho hệ thống văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là không đúng.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng cần xác định cụ thể những quy định trong các luật, văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, vướng mắc cũng do công tác tổ chức thực hiện, do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số nội dung, một số nhận định vướng mắc, bất cập về quan điểm và chính sách.

Hiện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo đổi mới quy trình lập pháp theo phương châm từ sớm, từ xa và trách nhiệm rõ ràng trong công tác phối hợp. Còn đối với các văn bản dưới luật đề nghị Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan sớm có kế hoạch sửa đổi để báo cáo với Quốc hội.

Phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là "xé rào"

Trong khi đó, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. Nhưng với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, ông Hậu cho rằng "cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác".

Đại biểu dẫn Nghị định 73 của Chính phủ mới ban hành về "khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm".

Theo đó, "cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm" là những người "trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ" đã đề xuất và thực hiện những việc "nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản pháp luật".

Quy định này đã bỏ đi "vế thứ 2" trong dự thảo là "đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn".

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đại biểu cho rằng "bỏ như vậy là đúng", không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.

"Như tôi từng phát biểu, phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là "xé rào", vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật...", ông Hậu nói.

Đại biểu đồng tình cần quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc. Đây là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ.

Cùng với đó, đại biểu Hậu cho rằng, cần giảm bớt "căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành".

Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp.

Đại biểu cũng đặt vấn đề có thể có ý kiến cho rằng Quốc hội không thể sửa luật "lắt nhắt" mà phải xem xét toàn diện các bất cập để sửa một lần... Nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay.

"Luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước. Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước", đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn