MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ trái sang) xem sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Ảnh: CTV

Khoan sức dân để phát huy nội lực

Lục Tùng LDO | 09/12/2020 06:13
Nhờ sự đột phá tư duy trong cách nghĩ, cách làm đã giúp cho huyện thuần nông Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với nhiều bất lợi về địa hình, vươn lên và đạt nhiều thành tựu vượt bậc...

Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây giá trị kinh tế cao

“Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2009 - 2019 đạt trên 8.000 tỉ đồng và chỉ đứng sau 2 thành phố lớn là Cao Lãnh và Sa Đéc” - ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ một cách đầy tự hào. Nhưng đáng mừng hơn là Cao Lãnh tạo ra được nền tảng cho hành trình phát triển mang tính công nghệ cao. Đó là bước phát triển vượt bậc nếu nhìn ngược lại lịch sử hình thành.

Được thành lập vào năm 1984 trên cơ sở đất vùng sâu của các TP.Cao Lãnh, huyện Tháp Mười nên huyện Cao Lãnh được xem là vùng đất thuần nông với cây lúa là trung tâm. Mãi đến năm 2019, vẫn là địa phương dẫn đầu về sản lượng lúa với trên 500.000 tấn/năm. Nhưng đằng sau những mùa vàng đó, đang hé mở nhiều nông sản có giá trị quý... hơn vàng. Huyện cũng từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, gắn với xây dựng thương hiệu...

Theo đó, toàn huyện đã chuyển gần 5.000ha đất trồng cây ăn trái, 1.766ha nuôi thủy sản... sang nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xây dựng được nhiều thương hiệu, như: “Cá điêu hồng Bình Thạnh”, “tôm càng xanh Nhị Mỹ”... Riêng “xoài Cao Lãnh”, “xoài cát chu Cao Lãnh” được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận và đã được thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand... đón nhận. Những thành tựu này không chỉ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị kinh tế vượt trên 76% so với chỉ tiêu phát triển kinh tế so với 10 năm trước mà còn nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 47,8 triệu đồng/người/năm (2019), cao hơn bình quân chung của tỉnh.

Bài học đột phá tư duy trong cách nghĩ, cách làm

“Một trong những yếu tố quyết định cho thành tựu này là sự đột phá tư duy trong cách nghĩ, cách làm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phấn đấu xây dựng huyện Cao Lãnh Anh hùng Lao động giai đoạn 2015-2020” - ông Thiện nói. Theo đó, ngay sau đại hội, toàn huyện Cao Lãnh bắt tay vào cuộc với tinh thần cao nhất. Trong đó, chọn đổi mới phát triển kinh tế làm khâu đột phá để rút ngắn sự bất lợi về địa hình...

Là địa phương đầu tiên ở Đồng Tháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Cao Lãnh đã vận động nông dân chuyển đổi mô hình, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn sinh học... Song song đó là đổi mới đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng tiến bộ khoa học trong phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt và xác định hình thành hệ thống giao thông nông thôn là xương sống của phát triển nông nghiệp, Cao Lãnh đã khoan sức dân để phát huy nội lực, qua đó đã tạo ra đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động đầu tư ngân sách và vốn đầu tư xã hội lên trên 22.000 tỉ đồng, thực hiện gần 300 công trình giao thông, chiều dài 511km. Nhiều hệ thống giao thông kết hợp đê bao vừa bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của nông dân...

Cao Lãnh còn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm giá thành, sản phẩm nông sản sạch, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, như các mô hình: Cánh đồng lúa lý tưởng, bón phân thông minh; mô hình ruộng nhà mình; mô hình sản xuất rau thủy canh trong nhà lưới... Nhất là mô hình “Cây xoài nhà tôi” tạo ra loại hình kinh doanh mới - trồng xoài qua mạng. Thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn người mua có thể quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Cách làm này không chỉ làm tăng thêm lợi nhuận từ 1,5-2 lần, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh ngày một vươn cao, bay xa...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn