MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 24.10. Ảnh: T.Vương

Khoảng 36 đơn vị, ngành sẽ không còn được hưởng lương đặc thù

NHÓM PV LDO | 24/10/2023 15:11

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khi thực hiện cải cách tiền lương, khoảng 36 đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24.10, tại Quốc hội, nội dung liên quan tới cải cách tiền lương nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, cải cách chính sách tiền lương không những nhằm mục tiêu nâng cao được đời sống của người hưởng lương mà còn nhằm thực hiện mục tiêu vô cùng quan trọng là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Mặt khác, đây chính là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cũng nhằm mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nữ bộ trưởng cũng phân tích cụ thể những điểm mới trong cải cách tiền lương. Cụ thể, chúng ta xác định và trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004.

Bộ trưởng cho biết, nước ta đã qua 4 lần cải cách nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như này. Lần này, chính sách lương mới rất tiến bộ, rất công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý.

Điểm mới tiếp theo, cải cách chính sách tiền lương lần này là cơ cấu lại để tính tỉ lệ lương cơ bản, tính tỉ lệ cho phần phụ cấp và loại hết những cơ chế chính sách đặc thù.

Theo đó, sẽ chỉ còn lại bảng lương cơ bản và phụ cấp. Đồng thời bổ sung thêm 10% mức lương cơ bản để cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là một vấn đề rất mới, phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ.

Cải cách tiền lương tạo ra tâm trạng xã hội phấn khởi. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thanh Trà, điều này cũng sẽ dẫn đến một vấn đề là khoảng 36 đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù.

“Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27, sẽ được bảo lưu"” - Bộ trưởng Thanh Trà thông tin và cho rằng, cần hướng tới sự công bằng cho tất cả những người được hưởng lương công chức, viên chức.

Bộ trưởng cũng lưu ý việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, bởi vì có những vấn đề không thể đồng bộ hết, sẽ có những bất cập nảy sinh, ví dụ như với 36 đơn vị đang được hưởng lương đặc thù.

Ngoài ra, theo bộ trưởng, cần tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, để có thêm nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương.

Một vấn đề khác được đặt ra, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay mới chuẩn bị nguồn đến năm 2026, còn sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì sẽ khó có thể thực hiện được. Để có được nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách bền vững và đảm bảo được tốc độ tăng trưởng hàng năm thì phải tập trung một số nhiệm vụ chính.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo ra được một nguồn lực về mặt tài chính thật sự bền vững. Theo đó, từ năm 2026 trở đi nếu không tính đến việc tăng thu, tiết kiệm chi thì chúng ta rất khó khăn để tiếp tục thực hiện việc trả lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn