MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin, tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: PHẠM CƯỜNG

Khơi dậy tiềm năng, vững tâm cống hiến

Minh Bằng LDO | 22/01/2023 17:55

“Ngoạn mục”, “kỳ tích"... là đánh giá của báo chí, giới quan sát nước ngoài khi nhìn vào công cuộc phục hồi kinh tế của Việt Nam sau thời gian chống lại dịch bệnh COVID-19. Năm 2022 có nhiều dấu ấn và trở thành bước đà quan trọng hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Định vị quốc gia hùng cường, lớn mạnh

Những văn kiện của Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa một cách sâu sắc về khát vọng hùng cường của dân tộc. Lần đầu tiên, Đảng chủ trương khơi dậy, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường với các cột mốc cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng để hướng đến những mục tiêu cao được nhắc đến nhiều trong năm qua nằm trong các chiến lược của Đảng, quyết sách của Nhà nước. Trong đó, lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể Quốc gia được đề cập một cách rõ ràng, cụ thể.

Nói một cách gần gũi, Quy hoạch tổng thể quốc gia là những nét vẽ chính phác thảo hình hài một Việt Nam thịnh vượng ở tầm nhìn năm 2050. Khi đó, quy mô của nền kinh tế tăng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 nghìn đến 32 nghìn USD/người, bước vào ngưỡng thu nhập cao của thế giới. Đồng thời, những hạn chế về cơ sở hạ tầng sẽ được khắc phục bằng việc đầu tư đồng bộ hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng theo định hướng xanh. 

Quy hoạch hướng tới phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính, giúp các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích của đất nước.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khoá XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Bản Quy hoạch này không chỉ mang lại nhiều kỳ vọng mà sẽ tạo ra, mở ra những động lực mới cho phát triển đất nước.

Khai mở những tiềm năng

Một quy hoạch dù chi tiết và khoa học đến đâu cũng sẽ khó mang lại hiệu quả nếu các tiềm năng để thực hiện mục tiêu chưa được khai mở.

Khai mở đầu tiên, đó chính là giải phóng nguồn lực về đất đai với Nghị quyết 18- NQ/TW. Ngay tên gọi của Nghị quyết đã cho thấy giá trị thực tiễn: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Điểm nhấn của Nghị quyết 18 là bảo đảm được hài hòa lợi ích của của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết được cho là sẽ mở đường để sửa Luật Đất đai - một trong những nội dung trọng tâm của Quốc hội năm 2023 này.

Khai mở thứ hai, là khai mở về văn hóa. Một năm triển khai những vấn đề đặt ra tại Hội nghị văn hóa lần 2 (tháng 11.2021), việc định hình và tiếp tục triển khai các hệ giá trị: Hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị văn hóa đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là vấn đề hệ trọng, nhưng không mới, đã được Đảng, Bác Hồ nhiều lần đề cập, khẳng định và có sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong các văn kiện, nghị quyết… Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những vấn đề này đã được nâng lên tầm nhận thức mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo lập cơ sở vững chắc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Khai mở thứ ba là khai mở về công nghệ với trọng tâm là quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát giá trị và vai trò của chuyển đổi số: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”.

Vững tâm cống hiến

Để tới thành công, có một yếu tố đóng vai trò quyết định: con người. Đảng, Nhà nước đang tạo nhiều chính sách để huy động tiềm năng, tạo động lực mới để phát triển.

Những thành quả trong hầu hết các lĩnh vực trong năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần lạc quan đã đến sớm và tất cả nhìn về năm 2023 và những năm tiếp theo với một niềm tin lớn lao.

Có hai lực lượng đang được chăm lo và đặt rất nhiều kỳ vọng. Đầu tiên là lực lượng đoàn thanh niên. Tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh diễn ra cuối năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm, nhắn thế hệ trẻ hai chữ “Tiên phong”.

Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hết sức coi trọng, đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên và tổ chức Đoàn. 

Thứ hai là lực lượng lao động; vai trò của tổ chức Công đoàn trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước.

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Năm 2023 cũng là năm có một sự kiện quan trọng của tổ chức Công đoàn, đó là Đại hội XIII của Công đoàn Việt Nam. Đại hội kỳ vọng là tiếp tục mở ra những vấn đề trọng tâm của Công đoàn, của lực lượng công nhân, người lao động trong thời kỳ mới. Trong đó có chính sách an sinh, có hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; được trang bị kiến thức và am hiểu công nghệ; được khẳng định vai trò “lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước” mang theo khát vọng hùng cường của dân tộc.

Một mùa xuân mới đã đến, với sức mạnh nội sinh, với những tiềm năng được khơi dậy với tinh thần hăng say, vững tâm cống hiến của mỗi người dân, trong đó có đông đảo người lao động thì không khó khăn nào là không thể vượt qua để sớm đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn