MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách hàng tham quan sản phẩm công nghệ của Việt Nam tại triển lãm Phát triển công nghiệp thông minh được tổ chức tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Khơi dậy tinh thần doanh nghiệp chuyên nghiệp

VÂN ANH thực hiện LDO | 11/09/2018 06:00

TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao - hy vọng thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được kết nối vào các chuỗi kinh tế thế giới, từ đó sẽ khơi dậy tinh thần doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Thưa ông, việc đăng cai tổ chức WEF ASEAN từ ngày 11 - 13.9 giúp gì cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?

- Đây là hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018, là dịp để lãnh đạo các nước và các doanh nghiệp đến Việt Nam chứng kiến một đất nước năng động, cởi mở và phát triển. Việc đăng cai tổ chức cũng là một phần trong thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa linh hoạt. Ngoài ra, khi Việt Nam và các doanh nghiệp đã tham gia sâu vào các chuỗi kinh tế, thì WEF ASEAN là cơ hội thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới vào, thông qua đó kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thế giới.

Chủ đề của WEF ASEAN 2018 “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tác động như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung?

- Cuộc cách mạng 4.0 tác động sâu sắc không chỉ đến Việt Nam, ASEAN mà toàn thế giới, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội. Thách thức lớn nhất hiện nay là cách mạng 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới, cách làm mới, công nghệ mới, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới hoặc nhận thức lại. Đơn cử, Grab là hãng công nghệ nhưng lại là hãng taxi lớn nhất thế giới. Vấn đề là Grab không sở hữu một chiếc taxi nào cả, mà tất cả là do người dùng tự đăng ký, tạo ra tác động mới là phạm trù kinh tế chia sẻ, kinh tế mạng. Facebook là hãng công nghệ nhưng thực tế lại là hãng truyền thông lớn nhất thế giới. Facebook không viết một mẩu tin nào cả, nhưng tác động rất mạnh đến các nguồn thông tin khác nhau. Cách mạng 4.0 cũng tác động nhiều ngành nghề, lĩnh vực, như robot hóa, trí tuệ nhân tạo.

Tinh thần doanh nghiệp là điều mà Việt Nam muốn thúc đẩy. Để phát triển được phải có tinh thần doanh nghiệp, trước hết là trong nhóm khởi nghiệp. Tôi cho rằng, thông qua WEF ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được kết nối, tham gia, học hỏi, từ đó sẽ khơi dậy tinh thần doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Tiến sĩ Trần Việt Thái. Ảnh: VGP

Ngoài tinh thần doanh nghiệp chuyên nghiệp, theo ông các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì khi tham gia WEF ASEAN?

- Diễn đàn này được thiết kế không chỉ cho các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao, nhà khoa học, mà hướng tới chủ yếu cộng đồng doanh nghiệp. WEF ASEAN vừa có tinh thần phục vụ, vừa hỗ trợ thúc đẩy kết nối cộng đồng doanh nghiệp, vì hiện nay kinh tế thế giới được tổ chức thành chuỗi và muốn phát triển được thì không thể đứng ngoài chuỗi. Việc tham gia WEF ASEAN lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các chuỗi phù hợp.

Ông đánh giá thế nào về dấu ấn Việt Nam qua các lần tham gia WEF?

- Quan hệ giữa Việt Nam và WEF phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Việt Nam đã 3 lần tham dự Hội nghị WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ vào 2007, 2010 và 2017, thường xuyên tham dự ở cấp Phó Thủ tướng; 4 lần tham dự WEF ASEAN (trước 2016 là WEF Đông Á) ở cấp Thủ tướng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai hội nghị trong khu vực của WEF sau lần tổ chức tại TPHCM năm 2010. WEF nhận thấy ASEAN đang hướng đến 1 nền kinh tế chung năng động, có tiềm năng trở thành cộng đồng kinh tế lớn thứ 4 thế giới. WEF muốn hướng vào đây kết nối cộng đồng doanh nghiệp thế giới với ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Justin Wood - Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF - khẳng định: “Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sôi nổi với mức tăng trưởng hơn 7%/năm, cùng dân số trẻ gần 100 triệu người. Việt Nam đã và đang phát triển nhiều khía cạnh vững mạnh của nền kinh tế, bao gồm một khu vực sản xuất - xuất khẩu cạnh tranh, một thị trường tiêu dùng sôi động và những cơ hội hấp dẫn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Tất cả những yếu tố khiến Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu. Từ quan điểm chính sách, Việt Nam có nhiều đặc tính thú vị, cho thấy Chính phủ sẽ có nhiều đóng góp vào những cuộc thảo luận chính sách quan trọng như: Cam kết mạnh mẽ để thấu hiểu ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với một quốc gia có thu nhập tầm trung, những lộ trình phát triển và công nghiệp hóa; Cam kết tích cực trong việc phát triển các liên minh thương mại toàn cầu: Việt Nam là một nước ủng hộ mạnh mẽ khối ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng phản ứng của khu vực trước những thách thức cam go. Đồng thời, Việt Nam là một phần của vùng Mekong thuộc ASEAN, đang đóng góp cho tầm nhìn mới của một Mekong hội nhập; Cuối cùng, Việt Nam là đối tác quan trọng của Diễn đàn và chúng tôi có nhiều dự án cũng như sáng kiến thú vị đang và sẽ được triển khai tại đây”. V.A ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn