MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc ngày 18.8. Ảnh: Trần Vương

Khơi thông các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp văn hoá

Vương Trần LDO | 18/08/2023 14:17

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư công, sớm khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, đồng thời tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hoá.

Nhiều dấu ấn nổi bật

Ngày 18.8 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Với phương châm hành động đã đặt ra cho cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các mặt công tác theo nhiệm vụ được giao, thể hiện ở một số dấu ấn nổi bật.

Công tác quản lý nhà nước, trọng tâm là xây dựng thể chế, chính sách được chú trọng, góp phần cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, thiết thực.

Các lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Công tác xây dựng môi trường văn hoá tiếp tục được quan tâm.

Tiếp tục chủ động, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hoá, thực hiện đa dạng các hình thức văn hoá đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và quảng bá giá trị văn hoá, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới...

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 18.8. Ảnh: T.Vương

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vẫn còn những hạn chế cơ bản.

Nguồn lực đầu tư tuy đã được bổ sung nhưng vẫn còn hạn chế; nhất là chưa có chính sách đột phá nhằm khơi thông các nguồn lực xã hội; nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hoá….

Tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực

Về định hướng phát triển thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, Bộ VHTTDL phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tiếp cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hoá từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thể chế chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá.

Tích cực triển khai nghiên cứu, thể chế hoá đồng bộ 9 nhóm chính sách lớn đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Văn hoá 2022. Trong đó, đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, giai đoạn 2026-2030".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc thống nhất ý chí và hành động trong toàn ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống, trở thành “nền tảng”, “ngọn hải đăng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam giai đoạn mới.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả đầu tư công, sớm khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, đồng thời tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hoá.

Xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho sự phát triển văn hoá, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông cũng lưu ý về việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn