MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không có cơ chế thì xã hội hoá y tế thành bài toán không có lời giải

Nhóm PV LDO | 24/10/2022 15:07

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng,  nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải.

Thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 4, hôm nay (24.10), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung liên quan tới vấn đề xã hội hoá trong lĩnh vực y tế nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội) - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu ý kiến, theo quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai.

Vì vậy, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công. 

“Tôi nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo luật. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải” - đại biểu Hà nói.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội).

Đại biểu Hà nêu các dẫn chứng như hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được quy định tại khoản 3 Điều 107 của dự thảo quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng. 

Bà cho rằng Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay bằng hình thức tín chấp.

Đồng thời, bà Hà kiến nghị bỏ khoản 4 Điều 107, bổ sung nội dung khoản 5, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách, thủ tục thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế với từng hình thức cụ thể.

Đề nghị quy định cụ thể nội dung xã hội hoá

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cho hay, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước là thực hiện xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ trong ngành y tế vi phạm pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm hình sự. 

Trong khi đó, dự thảo luật chỉ có duy nhất Điều 107 quy định về vấn đề này. Đại biểu cho rằng, nội dung quy định tại Điều 107 không thể giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay, kể cả việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Bởi lẽ, các hình thức huy động nguồn lực xã hội hóa quy định tại khoản 3 điều này còn bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. 

Cùng thảo luận nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần có quy định cụ thể vào các hình thức xã hội hóa, chính sách thu hút xã hội hóa như thế nào trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai).

Ông cũng bày tỏ không đồng tình với quy định về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng thiết bị y tế. Ông cho rằng, việc vay vốn là câu chuyện của tín dụng, liên quan đến vay vốn, liên quan đến ngân hàng. Do đó, đây không phải là nội dung về xã hội hóa, nên đề nghị cân nhắc nội dung này có nên xã hội hóa không? 

Liên quan đến quy định về tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Đại biểu cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn