MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng yêu cầu phải coi chống dịch tả lợn châu Phi "như chống giặc". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Không để "bán tháo" lợn bị bệnh ASF hay "quay lưng" với thịt lợn sạch

Khánh Vũ LDO | 04/03/2019 12:37

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trích kinh phí từ nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ khẩn trương, kịp thời cho những hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, không để xảy ra tình trạng "bán tháo" lợn, không không khai báo.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi” sáng 4.3.2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT và các cấp, các ngành cùng người chăn nuôi “phải chống dịch như chống giặc”.

Việc ngăn chặn, phòng chống dịch nếu được thực hiện tốt, dịch tả lợn châu Phi sẽ không lây lan trên diện rộng. Do đó, cần triển khai chống dịch quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng yêu cầu “các đồng chí phải xắn tay vào”, “đây không phải là việc chỉ riêng của lực lượng thú y”; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: PV

Báo cáo Thủ tướng, Bộ NNPTNT đã thẳng thắn nói về những khó khăn, những bất cập trong việc triển khai phòng chống dịch bệnh này, như: Không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắp bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh. Không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắc xin. Không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn cấp tỉnh, không xử lý các trường hợp vi phạm,...

Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu thường mất nhiều thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, dẫn đến sử dụng hết lượng hóa chất dự phòng của các địa phương, cần phải đấu thầu mua hóa chất mới. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, nên dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực bị cắt giảm cơ học do tinh giản biên chế của hệ thống thú y các cấp, dẫn đến tình trạng không đủ người để thực hiện việc kiểm dịch động vật, cũng như các hoạt động thú y khác.

"Các trang thiết bị, phương tiện đi lai của nhiều địa phương và các cơ quan chuyên môn đã bị hỏng, không còn hoạt động hiệu quả vì sau nhiều năm được dùng để phòng, chống các loại dịch bệnh động vật khác" - nhiều ý kiến cho biết.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi và tiêu độc khử trùng ổ dịch tại Hải Phòng. Ảnh: Kh.L

Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, Bộ NNPTNT đề nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện hiệu quả, tránh lúng túng, bị động nếu xảy ra dịch bệnh tại địa bàn.

Bên cạnh đó, cần thông tin, truyền thông sâu rộng để mọi người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn và cả xã hội cùng vào cuộc để kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan. 

Cần tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn hay quay lưng với thịt lợn sạch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý: “Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam”.

Thủ tướng cũng đặt hàng loạt câu hỏi: Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía nam hay không và yêu cầu kiểm soát tốt việc vận chuyển này chứ không phải ngăn chặn hoàn toàn. Ngoài ra, cần xem lại  quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch đã phù hợp chưa? Nếu chưa thì cần đề xuất giải pháp nào?

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, chất lượng nhưng tránh được tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”; cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn