MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội, TS Trần Văn Khải - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Không để cài cắm lợi ích nhóm vào Luật, ĐBQH phải có bản lĩnh, dũng cảm

Vương Trần (thực hiện) LDO | 22/05/2023 07:00

Hôm nay (22.5), Kỳ họp thứ 5 khoá XV chính thức khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Một trong những nội dung được nhiều cử tri đặt ra đó là không để cài cắm "lợi ích nhóm" vào trong các dự án luật. Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Trần Văn Khải - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về nội dung này.

- Thưa ông, Kỳ họp thứ 5 sẽ xem xét một số lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp. Đánh giá của ông về nhiệm vụ này tại Kỳ họp 5 Quốc hội khoá XV như thế nào?

ĐBQH Trần Văn Khải: Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua và cho ý kiến 20 nhiệm vụ lập pháp, gồm 16 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết quy trình giống như làm luật. Khối lượng công tác lập pháp tại kỳ họp này rất lớn, có thể nói gấp đôi khối lượng lập pháp của các kỳ họp thường lệ.

Đến thời điểm này có thể nói, các nhiệm vụ lập pháp được trình tại kỳ họp được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật;

Chất lượng hồ sơ đối với từng nhiệm vụ lập pháp được đặt lên hàng đầu, được thẩm định, thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức, tổ chức hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, đảm bảo thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, các cam kết quốc tế, bình đẳng giới. 

Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Các nhiệm vụ lập pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này là rất đúng đắn, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc với mục tiêu để kiến tạo, phát triển và đồng hành cùng Chính phủ.

- Thưa ông với yêu cầu hạn chế tối đa việc cài cắm "lợi ích nhóm" vào các dự án Luật. Vai trò trách nhiệm của các đại biểu cần phát huy như thế nào?

- ĐBQH Trần Văn Khải: Theo tôi, những biểu hiện tiêu cực trong vấn đề xây dựng pháp luật trong Kết luận 19 của Bộ Chính trị cũng đã nói đến. Chúng ta có thể tóm gọn trong 1 từ chung là “tham nhũng chính sách”. Vậy, “tham nhũng chính sách” là gì?

Một, là "lợi ích nhóm". "Lợi ích nhóm" này có thể là nhóm hẹp, cũng có thể là nhóm rộng và cũng có thể là sự liên kết ở đâu đó để "cài cắm" vào trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Hai, là “lợi ích của ngành mình”. Tôi lấy ví dụ như ban hành quá nhiều giấy phép, đấy là lợi ích cục bộ của ngành mình. 

Ba, là “mâu thuẫn lợi ích giữa các Bộ trong vấn đề quản lý”, cho nên cũng không lấy lợi ích của quốc gia làm trọng.  

Theo tôi, với vai trò, trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội cần phải phát huy những điểm sau:

Thứ nhất, không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức pháp luật để ngày càng chuyên nghiệp hơn;

Thứ hai, giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, với cơ sở để nắm vững thực tế nhiều hơn;

Thứ ba, có bản lĩnh, dũng cảm trong việc thẩm định và thiết kế chính sách;

Thứ tư, luôn đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết;

Thứ năm, làm hết trách nhiệm của mình, giám sát chặt chẽ trong quy trình lập pháp, đó là: xây dựng pháp luật, thẩm định pháp luật và thẩm tra pháp luật.

Theo đúng tinh thần nêu trong Kết luận 19 cũng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu nhiệm kỳ đã nêu rõ: Những vấn đề cấp bách nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa có sự đồng thuận cao thì cũng chưa làm, chỉ làm những gì mà thực sự cấp bách và những gì cấp bách nhưng đã có chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, có cơ sở chính trị, có căn cứ pháp lý khoa học rõ ràng và có sự đồng thuận cao thì chúng ta làm, còn cái gì chưa rõ thì tiếp tục để bàn cho kỹ chứ không ép, luật pháp mà ép là không được.

- Thưa ông, để những ý kiến, đề xuất của cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội được tiếp thu và giải quyết một cách có hiệu quả, Quốc hội cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, quyết định các vấn đề cấp bách đối với thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và trong đời sống dân sinh như thế nào?

- ĐBQH Trần Văn Khải: Theo tôi, Quốc hội tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ; trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.

Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Kịp thời quyết định các vấn đề cấp bách đối với thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và trong đời sống dân sinh.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn