MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Không để xảy ra trường hợp vốn chờ dự án trong giải ngân vốn đầu tư công

Vương Trần LDO | 18/10/2022 10:05

Liên quan tới một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, xây dựng kế hoạch vốn để khi giao vốn thì dự án triển khai được ngay, không để xảy ra trường hợp “vốn chờ dự án” như hiện nay.

Giao vốn đạt 94,1%, giải ngân đạt 46,7% kế hoạch

Trước kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Trong đó, liên quan tới nhiệm vụ năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 100% dự toán Quốc hội giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại  các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỉ đồng.

Nếu tính cả 16.000 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là 542.105,895  tỉ đồng. 

Đến ngày 30.9.2022, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 510.368,625 tỉ đồng, đạt 94,1% kế hoạch được Thủ tướng  Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 93,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt  98,8% kế hoạch. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 30.9.2022 là 253.148,12 tỉ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%). Tuy nhiên số tuyệt  đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỉ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 9 tháng năm 2021.

Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, điều chuyển kế hoạch vốn nếu không hoàn thành nhiệm vụ

Về một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn. 

Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn phù hợp yêu cầu phát triển.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn trong nội  bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định.  

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, xây dựng kế hoạch vốn để khi giao vốn thì dự án triển khai được ngay, không để xảy ra trường hợp như hiện nay “vốn chờ dự án”; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan  để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải  ngân vốn đầu tư công.

Chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng. Nâng cao năng lực chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các cấp, nghiên cứu có bộ phận chuyên trách xây dựng, kế hoạch vốn để xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh nhất là các dự án thực hiện trên địa bàn vùng sâu, vùng xa.  

Kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, thúc đẩy triển khai đúng quy trình, quy định, bảo đảm kịp thời, tránh tiêu cực, lãng phí...; không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình, thủ tục cần thiết, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Tháo gỡ ngay vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu...

Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu  quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. 

Đối với các vướng mắc, khó khăn của các dự án không thuộc thẩm quyền xử lý, bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần có ngay văn bản báo cáo các bộ quản lý ngành và Thủ tướng Chính phủ đề xuất hướng xử lý, không để tình trạng vướng mắc không được xử lý dứt điểm, dự án thi công kéo dài quá lâu. 

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn