MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phạm Đông

Không điều tiết kịp thị trường bất động sản sẽ làm người giàu càng giàu hơn

PHẠM ĐÔNG LDO | 02/07/2023 16:32

Để điều tiết thị trường bất động sản hoạt động một cách minh bạch, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải đã đưa ra một số giải pháp về việc cần cơ chế chính sách để điều tiết lâu dài, bền vững.

Quan tâm đến dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề cập nhiều đến các quy định nhằm kiểm soát giá bất động sản; bảo vệ quyền lợi người mua nhà; các chế tài ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh bất động sản...

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, thị trường bất động sản luôn rình rập các cơn “sốt nóng” hay “đóng băng”, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Nếu không được ngăn chặn và có giải pháp kịp thời sẽ gây lạm phát hoặc giảm phát, khủng hoảng tiền tệ hay tài chính, cao hơn là khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người dân khốn đốn.

Theo ông Khải, biến động của thị trường bất động sản không được Nhà nước điều tiết kịp thời sẽ làm cho người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo hơn, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

"Ở nước ta, tình trạng này đã kéo dài và lặp đi, lặp lại có tính chu kỳ từ những năm 90 trở lại đây", ông Khải nói.

Khoản 5 Điều 8 dự thảo luật nêu Nhà nước có cơ chế, chính sách điều tiết khi thị trường biến động. Theo đại biểu, như vậy là bị động, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách của chúng ta thường đi sau biến động của thị trường và có độ trễ nhất định.

Nếu quy định như thế này sẽ có những hậu quả khó lường nên cần hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng thu thuế cho Nhà nước và đưa ra liều thuốc hữu hiệu để ứng phó kịp thời, chủ động với căn bệnh mãn tính của thị trường bất động sản, đó là “sốt nóng” và cảm lạnh đến “đóng băng” trong nhiều năm qua.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, nêu rõ các công cụ điều tiết và quy định rõ “Nhà nước cần có cơ chế chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách thuế và thủ tục hành chính để điều tiết thị trường bất động sản một cách ổn định, lâu dài và đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển nhanh và bền vững”.

Để thị trường bất động sản hoạt hoạt động, phát triển lành mạnh, tránh tình trạng đầu cơ, cần đặc biệt chú trọng tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bất động sản. Kiểm soát chủ đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn sử dụng nguồn vốn để phục vụ xây dựng nhà ở, công trình thiết yếu nhưng lại lấy đó đầu tư vào mục đích khác mà bị thua lỗ, hoặc đầu tư vào các dự án nhưng không triển khai được hoặc kéo dài thời gian thực hiện.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Phạm Đông

Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) cho rằng quy định của dự thảo Luật về việc Nhà nước điều tiết khi có biến động là chưa đủ mạnh. Đại biểu cho rằng cần có quy định về việc điều tiết của Nhà nước một cách tốt hơn và sớm hơn, bởi nếu chỉ điều tiết khi thị trường có biến động là sẽ không kịp.

Theo đại biểu, cần các quy định về phương pháp điều tiết của Nhà nước như có chính sách về thuế nhằm hạn chế tính trạng đầu cơ nhà ở, hay quy định về thủ tục hành chính để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lâu dài.

Đại biểu cũng cho biết thêm, khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở, các đại biểu quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, trong trường hợp Nhà nước có sự điều tiết tốt thì chỉ những người có nhu cầu thực sự mới mua nhà ở xã hội và sẽ không còn cảnh người không có nhu cầu nhưng vẫn mua để đầu cơ, mua bán sang tay, mua đi bán lại.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đề nghị lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản.

Đồng thời cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn