MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đối thoại với thanh niên. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không gian mạng lành mạnh thì não người được "thở" không khí trong lành

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/03/2023 20:17

"Làm cho không gian mạng lành mạnh, trong sạch thì não người được "thở" thứ không khí trong lành. Khi chúng ta đọc tin tức giống như là chúng ta thở, não chúng ta thở", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng  nhấn mạnh tại hội nghị đối thoại với thanh niên.

Ngày 22.3, tại hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có chia sẻ với thanh niên về chuyển đổi số, cách mạng lần thứ 4.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến chuyển đổi số là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và liên quan nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng của nó giống như là mỗi người có một trợ lý, khi mình làm việc, mình cần gì thì AI giúp, nó con người nhiều hơn là thay con người.

"So sánh thì giống như bộ trưởng hoặc thứ trưởng có một trợ lý, một thư ký. Bây giờ, mỗi người Việt Nam có thể có một trợ lý ảo để giúp mình học tập hoặc làm việc. Tức là 100 triệu người Việt Nam trở thành 100 triệu bộ trưởng, chúng ta tưởng tượng sức mạnh lớn như thế nào", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi cái mới xuất hiện thì thường rất nhiều cơ hội, tất nhiên đi kèm với những thách thức. Nhưng với thanh niên sẽ là phù hợp nhất. Thanh niên nhiều năng lượng, không sợ sai. Khi cái mới đến, tất cả chúng ta đều chưa biết là cái gì cả thì phải thử, tuổi trẻ có năng lượng rất mạnh mẽ với cái mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lúc này cơ hội hàng trăm năm, vì thường cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra phải 100 năm, ngắn cũng phải 50 năm, nên tự nhiên các bạn bây giờ được sống trong thời kỳ đấy, thời kỳ chuyển đổi, do đó các bạn nên đi đầu.

Đi đầu thì chúng ta mới thay đổi được thứ hạng quốc gia bởi thứ hạng quốc gia chỉ thay đổi khi có xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Còn nếu chúng ta đi sau thì chúng ta đứng đâu vẫn đứng đấy.

"Tôi rất mong muốn các bạn thanh niên hãy coi mình sinh ra vào giai đoạn này là may mắn, khi xảy ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới và đặc biệt là chuyển đổi số và do đó các bạn nên đi đầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Về các giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trên không gian mạng có cái tốt và cái xấu. Chúng ta tạm gọi tin sai sự thật, tin xấu độc trên không gian mạng là rác thì chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp cận.

Rác là một khái niệm khá gần gũi với chúng ta trong đời thực. Vậy chúng ta sẽ xử lý rác như thế nào? Xử lý rác đầu tiên là xử lý người xả rác. Rác có người cố ý xả ra. Chúng ta đã ban hành một nghị định xử lý hành chính các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự.

Nhưng rác cũng có người vô tình lan truyền do không biết đấy là tin sai sự thật. Bộ TTTT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cẩm nang về phòng chống tin giả và đã cho ra mắt một nền tảng trực tuyến cho người dân về những kỹ năng số cơ bản, trong đó có cách phân biệt tin giả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mạng lành mạnh nếu nó là nơi tỉ lệ tin xấu độc thấp. Nếu chúng ta đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỉ lệ xấu này giảm đi. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên, vốn là công dân số từ khi sinh ra.

"Làm cho không gian mạng lành mạnh, trong sạch thì não người được "thở" thứ không khí trong lành. Khi chúng ta đọc tin tức giống như là chúng ta thở, não chúng ta thở", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Người dân khi gặp tin giả, tin sai sự thật liên quan đến cá nhân mình thì có thể liên hệ với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ TTTT để được hỗ trợ. 

Sau cùng là vấn đề trách nhiệm của các công ty vận hành các nền tảng số. Các nền tảng số giống như cái chợ, nên chủ của công ty vận hành phải chủ động rà quét và loại bỏ. Các công ty này đang thu được rất nhiều tiền từ Facebook, YouTube..., nhưng thiếu trách nhiệm.

Sau nữa là trách nhiệm của chúng ta, tức là người dùng. Đưa rác lên mạng chủ yếu là người dùng. Một phần chúng ta nghĩ lên mạng là vô danh, và vì thế có thể vô trách nhiệm. Chính phủ sắp ban hành một nghị định về trách nhiệm của các công ty vận hành nền tảng số và trách nhiệm của người sử dụng, trong đó có cả vấn đề định danh người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn