MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể chấp nhận chuyện ở Hà Nội, TPHCM phải xếp hàng hàng giờ mua xăng

Nhóm PV LDO | 02/11/2022 18:40

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, một đất nước, nền kinh tế có độ mở lớn, GDP hàng trăm tỉ USD, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn, phải xếp hàng hàng giờ để mua xăng là không thể chấp nhận được. Qua đó phải đổi mới cơ chế điều hành, quản lý xăng dầu.

Có nên đưa quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương?

Chiều 2.11, chị Nguyễn Kim Anh (Tây Hồ, Hà Nội) ghé cửa hàng xăng dầu trên đường Lạc Long Quân để đổ xăng. Cửa hàng quá đông khách, chị phải chờ khoảng 30 phút mới được đổ xăng.

Chị Kim Anh chỉ là một trong số rất nhiều người phải chờ đợi, xếp hàng lâu để có thể bơm xăng. Những ngày qua, nhiều cây xăng tại TP.Hà Nội luôn trong tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ tới lượt. Có những người mất hàng giờ để có thể mua được xăng.

Tình trạng khan hiếm xăng, các cửa hàng bán nhỏ giọt cũng xảy ra tại TPHCM trong thời gian trước đó. Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển “hết xăng, còn dầu”, tạm ngưng phục vụ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: T.Vương

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc khan hiếm xăng dầu, nhiều cửa hàng hoạt động cầm chừng trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, rất nhiều ý kiến cũng cho rằng trong việc quản lý xăng dầu cần có sự thay đổi toàn diện. Từ cơ chế, cách thức vận hành, đặc biệt tránh việc “đùn đẩy” trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo đại biểu An, xăng dầu là hàng hoá thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đây là mặt hàng hoá thiết yếu, đặc biệt thì nhà nước cần có sự điều tiết nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Do vậy, việc quản lý phải xác định được ranh giới giữa nhà nước và thị trường.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định về quản lý xăng dầu hiện nay. Trong đó có việc giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý.

“Cá nhân tôi cho rằng nên đưa quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương. Xăng dầu là mặt hàng hoá có liên quan tới thị trường, có liên quan tới xuất - nhập, điều tiết… Tôi cho rằng, Bộ Công Thương có khả năng và sẽ có bộ máy, chức năng để thực hiện nhiệm vụ này” - đại biểu An nói.

Theo ông An, việc quản lý xăng dầu hiện nay đang do liên Bộ Tài chính -  Công Thương quản lý. Tuy nhiên vẫn có những bất cập, thiếu sự linh hoạt. Do vậy, cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện.

Những vấn đề như giá xăng dầu, mốc thời gian của kỳ điều hành giá cũng cần xem lại một cách toàn diện, đảm bảo nguyên tắc thị trường.

“Một đất nước, nền kinh tế có độ mở lớn, GDP hàng trăm tỉ USD, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn thì không thể chấp nhận được” - đại biểu An nhấn mạnh.

Ông cho rằng, những lý do như thiếu hụt nguồn cung, chi phí liên quan tới chiết khấu, chi phí hoa hồng… chỉ là phần bề nổi. Bản chất cần xác định là phải thay đổi cơ chế vận hành. Trong đó, thay đổi đầu tiên đó là minh định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy nhau. 

“Không thể chấp nhận việc ở Hà Nội, TPHCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng. Đây là câu chuyện rất khó chấp nhận” - đại biểu Trịnh Xuân An nhắc lại.

Cần phải rà soát lại nguồn cung

Cùng trao đổi vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thông tin, vấn đề xăng dầu lên giá, xuống giá, đại lý xăng tạm ngưng hoạt động diễn ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người dân bức xúc.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: T.Vương

Theo đại biểu Hoà, việc nhiều cây xăng vừa qua hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa không bán hàng có liên quan tới việc chiết khấu xăng dầu.

Nhiều cây xăng rơi vào tình trạng “càng bán, càng lỗ” nên ngừng hoạt động. Đây là có thể hiện tượng cục bộ nhưng phía sau đó có thể do nguồn cung khan hiếm, bị đứt gãy. Việc này có trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng việc thiếu hụt xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế - xã hội. Ông đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, xem xét, tại sao, lý do gì lại diễn ra như vậy? Nguyên nhân từ đâu để có biện pháp tháo gỡ, tìm giải pháp tối ưu nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn