MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn

"Không thể cứ rình quăng rác ra đường để xử phạt, phải nâng cao nhận thức"

Vương Trần LDO | 21/04/2020 19:04

“Không thể cứ rình rình người ta quăng rác thải ra đường để xử phạt được, mà cái này phải là nhận thức của cả xã hội, chứ không chỉ đơn giản là luật” - ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến khi thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Bảo vệ môi trường.

Chiều 21.4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, điều quan trọng khi ra đạo luật này là từng bước làm thay đổi nhận thức trong xã hội đối với vấn đề môi trường, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề quản lý.

 “Không thể cứ rình rình người ta quăng rác thải ra đường để xử phạt được, mà cái này phải là nhận thức của cả xã hội, chứ không chỉ đơn giản là luật”, ông Bình nói.

Liên hệ đến một số quốc gia phát triển, ông Bình đề nghị cân nhắc giữa vấn đề môi trường và phát triển kinh tế. Phải tính toán lâu dài, ngay cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng rất cân nhắc giữa vấn đề môi trường và kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là dự án rất quan trọng, cần sửa đổi toàn diện để khắc phục bất cập mà luật hiện hành chưa cụ thể hóa được, đó là quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, chưa xử lý được, nhất là gần đây có những sự cố môi trường lớn diễn ra. 

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, nên phải thay đổi quan niệm, tư duy.

“Đại dịch COVID-19 vừa qua, một số địa phương chỉ số môi trường lại rất tốt. Vì sao, vì chất thải ít, xe cộ đi lại trên đường ít, nhà máy xí nghiệp hoạt động cầm chừng, nên môi trường trong lành hơn… Sau khi bàn hành luật này, toàn bộ công nghệ phải tính đến khi đầu tư dự án”, ông Lưu cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kinh tế - xã hội - môi trường là ba trụ cột, trong đó môi trường là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, phải giải quyết được bất cập nhưng cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

“Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng không gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. Tiêu chuẩn môi trường đặt ra phải khả thi. Đồng thời cần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người về vấn đề môi trường”, bà Ngân lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật quy định đặc thù xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, tăng thời hiệu, phương thức và mức phạt tiền theo lượng chất gây ô nhiễm tương đương với mức hưởng lợi do hành vi gây ô nhiễm của tổ chức, cá nhân; bổ sung các biện pháp xử lý hành chính trong xử lý vi phạm nhằm tăng cường chế tài thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí việc sử dụng các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ kinh tế hành chính cứng nhắc để tăng cường hơn hiệu lực thi hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, và cho rằng các chính sách này có tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn