MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả hệ thống y tế tê liệt

NHÓM PV LDO | 01/06/2022 13:03

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, vấn đề đặt ra sau “cơn bão” dịch là việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống y tế tê liệt, những khó khăn như mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men không được cải thiện.

Trục lợi chính sách trong phòng chống dịch xảy ra dưới nhiều hình thức

Sáng 1.6, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh chiến lược vaccine là một nhân tố quan trọng và hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong chiến lược này, có hai điểm trọng tâm đáng chú ý là ngoại giao vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Những nỗ lực ngoại giao vaccine thông qua hoạt động các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và ngoại giao nhân dân đã thành công, được cử tri và dư luận đánh giá cao. 

Điểm thứ hai là nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có vaccine thương hiệu của Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine ra sao, có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sản xuất như thế nào, triển vọng vaccine của Việt Nam ra sao vì trong quá trình tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri quan tâm đến vấn đề này.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum).

Theo đại biểu Tám, bất cứ một chính sách nào được ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng trục lợi, nhất là các chính sách cấp bách phòng chống COVID-19.

“Rất tiếc hành vi trục lợi chính sách trong phòng chống dịch đã xảy ra. Nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị tác động bởi COVID-19 đến các hoạt động mang tính nhân đạo như giải cứu lao động về nước, đến các hoạt động mua bán sản xuất các thiết bị phòng chống dịch… khiến cử tri và dư luận bất bình” - đại biểu Tám nói.

Theo đại biểu, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay, cấu kết của những hành vi trục lợi này không, nếu có sao lại có những cái “bắt tay” cấu kết trên khó khăn của người dân trong đại dịch. Những vấn đề đó cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý những sai phạm trên.

Dịch COVID-19 thoái trào, sao vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho biết, sáng nay Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai) chỉ còn 10 bệnh nhân điều trị. Đây là cơ sở có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Có thời điểm bệnh  viện này tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân điều trị.

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 gây ra nhiều ngày nay gần như không có.

Ông Hiếu lấy dẫn chứng hơn 40.000 khán giả xem trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 cũng không ai đeo khẩu trang. Điều này cho rằng dịch bệnh COVID-19 đang sang giai đoạn thoái trào.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa tuyên bố chính thức kết thúc COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển sang nhóm B, việc chi trả khám chữa bệnh sẽ như bệnh lý khác...

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

Đại biểu cho rằng khi coi COVID-19 là một bệnh chuyên khoa không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Chúng ta cần theo dõi sát, phản ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Ông Hiếu nhấn mạnh chúng ta không ngồi chờ diễn biến của COVID-19 mà cần phản ứng linh hoạt. Đã đến lúc phải trở lại trạng thái bình thường cũ để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19; tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh COVID-19. 

Theo ông Hiếu, ngành y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, được xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công tội phân minh.

Vấn đề đặt ra là sau cơn bão dịch, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra thế nào. Ông Hiếu nêu rõ không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống y tế tê liệt, những khó khăn như mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men không được cải thiện. 

Đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch, con nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được. Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế là nỗi lo của đa số các bệnh viện cả công và tư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn