MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM. Ảnh: P.V

Không vì khó khăn mà chùn bước

TRẦN VƯƠNG LDO | 30/08/2018 09:54

Nhận định việc sáp nhập, tinh giản bộ máy là việc khó, song TS Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, không vì việc khó mà chúng ta chùn bước. Cùng với đó cần phải có những giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề cồng kềnh của bộ máy hành chính.

Thu gọn bộ máy cồng kềnh

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nhiều địa phương trong thời gian qua bước đầu đã tiến hành thực hiện việc sáp nhập các đơn vị, thu gọn lại bộ máy.

Cụ thể, Bộ Công an hiện đã tinh giản 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Ngoài ra, công an địa phương tiến hành sáp nhập 20 Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố. Đồng thời, công an cấp tỉnh giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và công an huyện giảm gần 1.000 đơn vị cấp đội. Hay như việc, HÐND tỉnh Lào Cai đã thông qua Nghị quyết hợp nhất hai Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng. Sau khi hợp nhất, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai sẽ có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Sau Lào Cai, hiện Bạc Liêu cũng đã có chủ trương hợp nhất một số sở ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau. Tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Đề án thí điểm thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: Trước hết, về quan điểm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, tôi cho rằng đây là một cách làm rất đúng đắn, cần thiết để giải quyết căn cơ vấn đề về bộ máy hành chính. Tôi cũng hoan nghênh một số đơn vị, bộ, ngành, địa phương chủ động làm sớm. Để thực hiện được việc này, các đơn vị cần dựa trên các cơ sở sắp xếp, giải quyết việc làm, giải quyết lợi ích của các cán bộ công chức có liên quan. Tiếp đến là việc tính toán sao cho phù hợp, tinh giản được biên chế, thu gọn được đầu mối công việc và giải quyết được bộ máy bớt cồng kềnh.

“Rõ ràng, vấn đề liên quan đến việc sáp nhập, thu gọn bộ máy là điều khó. Đặc biệt là việc này có liên quan tới lợi ích, liên quan đến việc sắp xếp, bố trí việc làm và chế độ của nhiều người là rất khó. Ai ở trong hoàn cảnh một cán bộ cụ thể mà nếu sáp nhập sẽ bị tinh giản hoặc thay đổi thế này thế kia mới thấy được sự phức tạp của nó. Tuy nhiên không vì việc khó mà chúng ta được nản chí. Đơn vị nào đủ điều kiện và tính toán kỹ lưỡng thì thực hiện. Các đơn vị, địa phương khác thì cần có nghiên cứu kỹ, tiếp tục xây dựng đề án sao cho hợp lý, vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó” - ông Lịch nói.

Cần giải quyết căn cơ của vấn đề

TS Trần Du Lịch cũng lưu ý, trong việc tiến hành cải cách đồng bộ, hợp nhất, sáp nhập… thì phải làm minh bạch vấn đề công vụ. Hiện nay chế độ công vụ của chúng ta đang mang tính lồng ghép, có nơi có sự trùng chéo giữa Trung ương và địa phương. Cùng với đó là việc cần phải tính toán để phân cấp, phân quyền sao cho hợp lý. Đây là một trong những căn cơ của vấn đề.

“Nếu như chúng ta thực hiện chế độ công vụ theo 3 cơ chế, được chế định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đó là cơ chế phân quyền, cơ chế phân cấp và cơ chế ủy quyền giữa T.Ư - địa phương. Những cơ chế này cần được minh bạch trong các đạo luật chuyên ngành để quản lý nhà nước với từng lĩnh vực. Ví dụ như môi trường, đất đai, xây dựng… Cần phân định rõ những cái gì thuộc trách nhiệm địa phương. Khi có phân quyền địa phương thì trung ương chỉ kiểm tra, kiểm soát công vụ thôi, không làm thay, minh bạch trách nhiệm. Thì lúc đó, cơ chế sẽ giải quyết vấn đề trùng lặp về công vụ, chồng chéo về chức năng. Việc này cũng sẽ giảm bớt được vấn đề cồng kềnh của bộ máy” - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn