MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Tất Thắng băn khoăn làm sao để dung hòa được những mâu thuẫn về mặt tổ chức, về mặt hành chính trong quá trình hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: QH

Khu hành chính - kinh tế đặc biệt: Kiểm soát quyền lực thế nào?

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 10/11/2017 18:19

Xây dựng hình thành khu hành chính - kinh tế là chủ trương đúng và cần khẩn trương thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - đó là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội.

Mặc dù vậy, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về vấn đề phân quyền, phân cấp, cơ chế quản lý và an ninh quốc phòng

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định: "Tôi cho rằng việc đặt ra hình thành 3 khu hành chính – kinh tế đặc biệt là một việc rất cần thiết và nếu thành công sẽ là một bước đột phá để thúc đẩy phát triển, tạo sự lan tỏa. Đồng thời cũng tạo ra những mô hình quản lý, quản trị đổi mới được thử nghiệm ở những đặc khu này. Vì thế tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng và chúng ta cần khẩn trương thông qua các luật đó.

Tuy nhiên, việc để chúng ta thật sự tạo ra đấy là một khu hành chính – kinh tế đặc biệt thì nó phải có những thể chế riêng, phải có quy trình vận hành riêng nhưng lại phải có khả năng kiểm soát. Nên về vấn đề rất quan trọng ở đây là phân quyền, giao quyền, tự chủ nhưng lại kiểm soát quyền lực đấy như thế nào? Đấy là vấn đề phải hết sức quan tâm trong khi soạn thảo luật.

Điểm quan tâm tiếp theo là với 3 khu này là 3 vị trí được lựa chọn hết sức có lợi thế về kinh tế, xã hội nhưng cũng liên quan đến an ninh quốc phòng và những vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên. Do vậy, việc thông qua luật và cơ chế quản lý làm thế nào chúng ta khuyến khích sự phát triển tự do của khu đó đứng về mặt kinh tế. Nhưng đứng về mặt an ninh quốc phòng và tài nguyên môi trường thì phải đảm bảo" - đại biểu Cường kết thúc.

Cùng quan điểm về các quy định hoạt động, chế tài quản lý..., đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng: "Đã là khu hành chính kinh tế đặc biệt thì quy định về tổ chức, hoạt động, cơ chế phải đặc biệt để tạo sự linh hoạt, chủ động của chính quyền những khu này ở mức độ cao nhất và có những cơ chế chính sách, ưu đãi về mặt đầu tư để có thể phát triển được theo đúng mong muốn của chúng ta.

Nhưng bên cạnh đó lại có mâu thuẫn phải giải quyết, đó là nó vẫn là một phần lãnh thổ của chúng ta, nó vẫn chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật của chúng ta, mặc dù chúng ta sẽ thông qua một cái luật riêng cho nó với những cơ chế đặc thù.

Thế thì làm sao để dung hòa được những mâu thuẫn về mặt tổ chức, về mặt hành chính trong quá trình hình thành các đặc khu này. Đó là một việc phải tính mà tôi cho là kể cả đến bây giờ, Quốc hội thảo luận về luật này nhưng đó là những việc có lẽ chưa thể nào có được cái hình dung một cách cụ thể đối với kể cả cơ quan xây dựng dự thảo luật lẫn các đại biểu quốc hội. Đây là một mô hình mới, nên chắc chắn nguyên tắc chung là vừa làm vừa hoàn thiện" - ông Thắng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn