MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) ngày 29.3. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Khu vực Mekong là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam

HẢI ANH LDO | 30/03/2018 14:30
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tổng thể chung, khu vực Mekong là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam và hợp tác Mekong cũng đang triển khai tại Việt Nam với nhiều lợi ích cụ thể.

Thúc đẩy kết nối khu vực

Trong bài viết “Mekong: Dòng sông hợp tác và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với thế và lực được nâng cao cùng kinh nghiệm phát triển và hội nhập quốc tế được tích luỹ gần 30 năm qua, Việt Nam có khả năng và điều kiện tốt hơn khi tham gia hợp tác Mekong, qua đó, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực”.

Theo Thủ tướng, hợp tác Mekong cũng đang triển khai tại Việt Nam với nhiều lợi ích cụ thể. Cụ thể, các cơ chế hợp tác Mekong là kênh quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nguồn lực từ các đối tác phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, liên kết vùng, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở các khu vực biên giới.

Tính đến tháng 12.2017, riêng các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu kết nối trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỉ USD với nhiều dự án mang lại lợi ích thiết thực như: Tuyến đường TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hầm đường bộ Hải Vân, dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài - Lào Cai. Thêm vào đó, hợp tác Mekong thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như các chương trình hợp tác văn hóa, xã hội giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Cũng trong bài viết nhân dịp Hội nghị GMS-6 và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) tổ chức tại Việt Nam từ 29 - 31.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực”.

Những quyết định chiến lược tại GMS-6

Trong khuôn khổ 2 sự kiện quốc tế đa phương quan trọng hàng đầu tại Việt Nam năm 2018, ngày 29.3, cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) GMS đã tập trung rà soát lại công tác chuẩn bị, hoàn thành dự thảo cuối cùng các văn kiện để trình lên các nhà lãnh đạo GMS thông qua. Hội nghị cũng rà soát nội dung các chiến lược hợp tác ngành về giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS là các văn kiện khác sẽ được hội nghị thượng đỉnh GMS-6 ghi nhận.

Nói về kỳ vọng đối với GMS-6 tổ chức tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính (Financial Times) và Thời báo Kinh tế Nikkei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam đang tích cực cùng các nước GMS chuẩn bị để lãnh đạo các nước thống nhất được những quyết định chiến lược như Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018 - 2022, Khung đầu tư khu vực đến năm 2022 với hơn 200 dự án, chương trình đầu tư trị giá 65 tỉ USD”.

Trong khuôn khổ GMS-6, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Sáng kiến nhận được sự ủng hộ, tham gia của lãnh đạo các nước GMS, Chủ tịch ADB, Giám đốc Điều hành WB và Tổng Thư ký ASEAN cùng hơn 2.000 đại biểu cùng thảo luận về các vấn đề như mục tiêu, cơ hội đầu tư, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp ở khu vực.

Được biết, quy mô Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực GMS, CLV rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh Châu Á đang nổi lên là 1 động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21”.

Cũng trong ngày 29.3, cuộc họp nhóm công tác hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã thảo luận về công tác chuẩn bị, rà soát chương trình nghị sự và các văn kiện quan trọng cho CLV-10 tổ chức ngày 31.3. “Ngay sau Hội nghị GMS-6, chúng tôi cũng đặt kỳ vọng vào CLV-10 sẽ thông qua những kế hoạch hành động, định hướng hợp tác giữa 3 quốc gia, với sự hỗ của các đối tác phát triển như ADB, WB, Nhật Bản, Hàn Quốc”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn