MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia). Ảnh: T.Vương

Khuyến khích cán bộ, đảng viên từ chức khi có khuyết điểm

VƯƠNG TRẦN LDO | 05/12/2022 06:38

Tại Nghị quyết 28 (Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII) có nhấn mạnh về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nêu nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có nêu rõ việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Công tác cán bộ đó là “có vào, có ra, có lên, có xuống”

Các chuyên gia xây dựng đảng cho hay, việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình từ người dân, dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” trong cán bộ, đảng viên là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên. Nghị quyết 28 của Trung ương tiếp tục khẳng định điều đó.

Theo PGS-TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia), sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, có 3 nghị quyết quan trọng đã được ban hành. Trong đó có Nghị quyết 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Việc ban hành Nghị quyết 28 vào thời điểm này là rất cần thiết và kịp thời, đáp ứng tình hình hiện nay. Tiếp tục khẳng định những quan điểm của Đảng về công tác cán bộ.

Liên quan tới nội dung khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, PGS-TS Ngô Thành Can phân tích, việc miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới, mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt, thời gian vừa qua, “câu chuyện cán bộ từ chức” đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Nhiều quy định liên quan đã được ban hành như Quy định số 41/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đến Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị và mới nhất là Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương. Những quy định này ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, mở ra cánh cửa “có tình, có lý” cho cán bộ bị kỷ luật trong các cơ quan công quyền và có ý nghĩa định hướng đối với các cấp ủy đảng.  

Có thể thấy, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về việc miễn nhiệm với các trường hợp: Không đáp ứng được yêu cầu công việc (quy định cũ là năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ); Uy tín giảm sút (quy định cũ là mất uy tín); Có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức (quy định cũ bao gồm cả trường hợp chưa đến mức bị kỷ luật bãi nhiệm).

Các quy định của Đảng ngày càng hoàn thiện và thể hiện chủ trương về công tác cán bộ đó là “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Mở đường cho văn hoá từ chức

“Với việc siết chặt quy trình công tác cán bộ, đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí cụ thể, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có "vùng cấm”, sự việc cán bộ "có lên, có xuống”, "có vào, có ra” đã là thực tế được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong thời gian qua. Ngay cả những trường hợp tưởng đã "hạ cánh an toàn” cũng bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm minh nếu có vi phạm” - PGS-TS Ngô Thành Can trao đổi.

Cùng trao đổi, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, từ Nghị quyết của Trung ương Đảng, kết luận của Bộ Chính trị cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, lãnh đạo và người thân, xã hội thấy việc từ chức hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng hơn cả cần xây dựng văn hóa từ chức áp dụng chung chứ không chỉ với những người đã vi phạm, khuyết điểm.

Đặc biệt, đối với cán bộ có tự trọng, còn liêm sỉ mà cảm thấy thời gian qua, bản thân vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế, yếu kém, dư luận có ý kiến mà vẫn giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo thì phải suy nghĩ việc xin từ chức. Bởi khi đó uy tín, việc chỉ đạo với cấp dưới không còn.

“Tôi cho rằng, với cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo nên xin từ chức, chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu. Không nên tham quyền cố vị để làm gì” - đại biểu Cừ nêu ý kiến.

Theo đại biểu Cừ, để quy định này thực sự đi vào đời sống, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử.

Nếu không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao thì cần phải dừng lại để “nhường ghế” cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng của người đảng viên.

Khuyến khích những ai đã trót “nhúng chàm” thì “rửa tay”

Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng, sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi”. T.Vương

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn