MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khuyến khích hỗ trợ tiền lương, phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động

Vương Trần LDO | 06/11/2021 21:08

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu các nhóm giải pháp như đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ thu hút người lao động và kết nối cung - cầu để đưa người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Đưa người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối nay (6.11), báo chí đặt vấn đề, sau khi nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đang tích cực để khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp là khó thu hút người lao động trở lại làm việc. Vậy đâu là giải pháp để đưa lao động trở lại làm việc?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết có 3 nhóm giải pháp chính để đưa người lao động trở lại làm việc.

Đó là: Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc; kết nối, điều tiết cung - cầu lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trả lời tại họp báo.

Với nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ông Hoan nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các phúc lợi xã hội (bảo hiểm, nghỉ ngày lễ,…) để giữ chân người lao động. 

Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc.

Nhóm giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc, theo lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, phải tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác làm cơ sở quyết định quay lại thị trường lao động.

Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế (khám sức khỏe, test COVID, cách ly…); hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Ông Hoan đặc biệt nhấn mạnh giải pháp khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại… để đưa người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động.

Về nhóm giải pháp kết nối, điều tiết cung - cầu lao động, đó là nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm. 

Nắm kỹ, sát nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; rà soát tập hợp đầy đủ thông tin về trạng thái lao động, việc làm, trình độ của nguồn cung lao động để làm cơ sở điều tiết, kết nối cung cầu lao động.

5 giải pháp phục hồi nền kinh tế

Liên quan tới phục hồi phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội đề ra 2 quan điểm cốt lõi là kết hợp giữa phục hồi và phát triển. Do đó các giải pháp đưa ra cũng phối hợp căn cơ giữa ngắn hạn và lâu dài.

Trên cơ sở đó đề ra 5 nhóm giải pháp: Kiểm soát hiệu quả, linh hoạt, tạo điều kiện cho việc mở lại các hoạt động kinh tế xã hội hoạt động bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần cho thực hiện các giải pháp khác.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Nhật Bắc

Hai là nhóm giải pháp về an sinh xã hội; Ba là hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp khó khăn do dịch có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, có nguồn lực cần thiết cho phát triển đường dài.

Giải pháp dài hơi hơn được nêu ra đó là thúc đẩy đầu tư công. Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công thì cũng đề xuất các điểm nhấn về thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại.

Giải pháp thứ năm mang tính chất quản lý điều hành, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, quản trị nhà nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.

21 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học trực tiếp

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đã trao đổi về việc khi nào học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Bộ GDĐT cho biết, đến nay, cả nước có 21 tỉnh, thành tổ chức cho học sinh học trực tiếp, 18 tỉnh, thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình. 24 địa phương đang học trực tuyến và truyền hình.

Đối với các địa phương có số lượng học sinh lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – có thể có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, hai địa phương này đã có phương án mở cửa trường học, đón học sinh trở lại học tập trung. 

Liên quan đến tiêm vaccine cho học sinh, lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay, Bộ GDĐT đã có đề nghị Bộ Y tế và các địa phương về việc này. Hiện nay, tiêm vaccine cho học sinh đã nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế và các địa phương. Trước mắt là sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi.  Khi được tiêm vaccine thì các em khi đến trường sẽ yên tâm hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn