MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS TS Nguyễn Quốc Sửu - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Phạm Đông

Kiểm soát quyền lực, yếu tố then chốt để phòng, chống tham nhũng

PGS TS Nguyễn Quốc Sửu - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương LDO | 16/05/2023 06:15

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tham nhũng gắn liền với quyền lực

Tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi và khó phát hiện; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, 

doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, vẫn là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trong nhiệm kì Đại hội XII của Đảng (2016-2021), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lí kỉ luật 50 cán bộ đảng viên của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử thi hành án, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp.

Tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng được pháp luật trao cho rất nhiều quyền để thực thi công vụ. Nhưng nếu quyền lực đó không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực chặt chẽ là mấu chốt ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.

Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế

Có nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch.

Đồng thời siết chặt kỉ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của những cơ quan này trong văn bản pháp luật, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Đi đôi với xây dựng pháp luật, cần kiểm soát chặt chẽ việc thi hành pháp luật.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí đấu tranh, có kiến thức kĩ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mỗi cán bộ, công chức của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành một cán bộ tốt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, xử lí nghiêm cán bộ, công chức vi phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỉ luật đảng.

Chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong từng cơ quan, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.

Thứ tư, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định nội bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong từng ngành, từng cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từng ngành cần rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy trình, quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, chuẩn mực nghiệp vụ công tác đẩy đủ, chặt chẽ... để làm căn cứ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện. Đồng thời làm cơ sở cho việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và sự giám sát của xã hội.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một yêu cầu đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Làm tốt việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án sẽ làm trong sạch bộ máy của các cơ quan này, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn