MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Nhật Bắc

Kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực

Vương Trần LDO | 05/12/2022 11:57

Nhắc tới giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực, song Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng việc này chỉ góp phần quan trọng chứ không chấm dứt được, bởi "những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu. Người giàu mà họ tham nhũng lớn".

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực

Sáng nay (5.12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã truyền đạt nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết hội nghị trung ương 6 khóa XIII.

Một vấn đề được ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh tại nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Đây là lần đầu tiên trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước", ông Trạc nói.

Ông chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý, trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm.

Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý.

"Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực", ông Trạc nêu.

Hội nghị học tập, quán triệt Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng theo ông Trạc, nghị quyết yêu cầu xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đảm bảo sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương - địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan cùng cấp chính quyền địa phương.

Một điểm khác là quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp.

Thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trong từng cơ quan nhà nước...

"Công khai, minh bạch là nhiệm vụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực. Thêm đó thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Tất cả những điều này nhằm mục đích kiểm soát quyền lực", ông Trạc nêu.

Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo... của công dân.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, nhà nước, nhân dân. Trong đó Đảng là cơ quan kiểm tra, nhà nước là thanh tra, kiểm toán và các cơ chế kiểm soát khác của các cơ quan tố tụng cũng như nhân dân.

Thực hiện "4 không" trong phòng, chống tham nhũng

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nghị quyết yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông cho rằng nghị quyết đặt ra vấn đề nghiên cứu thành lập các thiết chế mới nhưng việc nghiên cứu đòi hỏi rất công phu, rất khó và phải phù hợp với thể chế chính trị, thực tiễn của nước ta.

Một nhiệm vụ khác, ông Trạc nói cần ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.

Đồng thời thực hiện "4 không" trong phòng, chống tham nhũng. 

Thứ nhất, "không thể" tức là hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng.

Thứ hai, phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để "không dám" tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực.

"Đương nhiên việc này góp phần quan trọng thôi chứ không chấm dứt được bởi những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu. Người giàu mà họ tham nhũng lớn" - Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.

Thứ tư, cần xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để "không muốn" tham nhũng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn