MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo") - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, từ trái qua. Ảnh: Bộ Công an.

Kiểm toán Nhà nước nói về các sai phạm tại Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn

Lam Duy LDO | 02/06/2024 18:44

Các sai phạm của Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn liên quan đến các dự án đầu tư công, thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, nhưng không phải là đơn vị được kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngày 2.6, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Qua rà soát hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước từ năm 2020 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước có lựa chọn kiểm toán một số dự án đầu tư, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) thực hiện thi công một số gói thầu.

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước tại thời điểm kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại trong việc thực hiện dự án và đã có kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị trách nhiệm tương ứng với các sai sót.

Đáng chú ý theo ông Đặng Thế Vinh, gắn với trách nhiệm các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán có sai phạm, kiến nghị khởi tố thời gian qua cần phân loại 2 nhóm.

Thứ nhất, các hành vi sai phạm của Tân Hoàng Minh, FLC không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Việc kiểm toán các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nêu trên chủ yếu do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện.

Còn các sai phạm của Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn liên quan đến các dự án đầu tư công, thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, nhưng không phải là đơn vị được kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước. Đơn vị được kiểm toán là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Liên quan đến trách nhiệm trong kiểm toán dự án đầu tư, doanh nghiệp, ông Đặng Thế Vinh cho hay Kiểm toán Nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị.

Phương pháp kiểm toán trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, chịu trách nhiệm.

Trong khi đó các hành vi tham nhũng, tiêu cực tinh vi ẩn sau hoạt động đầu tư, hồ sơ dự án được hợp thức hóa, sai phạm hầu hết chỉ phát hiện được qua điều tra hình sự.

Kiểm toán Nhà nước chưa phát hiện được các hành vi tội phạm tại các dự án kiểm toán như cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện, khởi tố thời gian qua.

Mặt khác, đến nay Kiểm toán nhà nước cũng không có thông tin nào về trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các vụ việc.

Theo ông Đặng Thế Vinh, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Hoạt động kiểm toán là hoạt động chuyên môn có sự khác biệt với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra khác.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, các sai phạm được các đối tượng cố tình gian lận, cấu kết thông đồng hợp thức hồ sơ, tạo lập hồ sơ trái pháp luật đặc biệt là các sai phạm trong tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án thì việc phát hiện các sai phạm qua kiểm toán là rất khó, chỉ có thể phát hiện được thông qua nghiệp vụ điều tra.

Hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Trường hợp phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn