MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Văn Mứng đặt câu hỏi chất vấn các vấn đề về dự án năng lượng mặt trời áp mái nhà tại kỳ họp thứ 26 Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ảnh: PV

Kiên Giang: Tìm giải pháp cho các vấn đề “nóng” cử tri quan tâm

NGUYÊN ANH LDO | 14/01/2021 13:07
Tại kỳ họp thứ 26, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kiên Giang khóa IX, ngày 13.1, HĐND tỉnh đã chất vấn các vấn đề về Công tác quản lý năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái nhà; công tác phòng chống ma túy thời gian qua.

“Nở rộ” các dự án năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái nhà

Trả lời đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm của ngành trong quản lý dự án NLMT đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, ông Ngô Công Tước - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, phát triển năng lượng mặt trời được Chính phủ khuyến khích và chủ trương rất phù hợp để giải quyết tình trạng thiếu điện. Đây là loại năng lượng sạch, xây dựng nhanh, đảm bảo giải quyết nhất thời bằng nguồn lực xã hội. Việc lắp đặt này là phù hợp với những quy định hiện hành, tuy nhiên điều đáng quan tâm là một số nơi các dự án này lại lắp đặt trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản...

Theo ông Tước, hiện trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện dự án NLMT nào, mà tỉnh chỉ mới lập dự án đề xuất để xin chủ trương của Chính phủ đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, riêng dự án NLMT áp mái nhà huy động nguồn lực rất nhanh, đối với dự án quy mô nhỏ, Chính phủ quy định không cần lập dự án và khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp, tư nhân thực hiện lắp điện NLMT áp mái trên mái công trình, nhà… Do vậy không cần xin phép, mà chỉ cần làm thủ tục với Công ty Điện lực Kiên Giang thỏa thuận các điều kiện đảm bảo đấu nối trên lưới điện Quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.256 đồng hồ lắp điện NLMT, với tổng công suất là hơn 251 MW (trong đó điện NLMT mái nhà là 58 MW, còn lại lắp trên các công trình, trang trại 194 MW). Ông Tước cho biết: “Hiện nay Sở cũng tham mưu trình UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện mô hình NLMT áp mái ở các trang trại, có đảm bảo đúng quy định mục đích sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, tiêu chí trang trại… Từ đó xác định trách nhiệm của địa phương, ngành điện”.

Về trách nhiệm của ngành, ông Tước cho rằng, ngành đã tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, khuyến khích và có chỉ đạo cụ thể về các vướng mắc cho địa phương, hướng dẫn, khuyến khích điện NLMT áp mái để giải tỏa áp lực về việc thiếu điện.

Công tác phòng, chống ma túy cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt

Đại tá Đỗ Triệu Phong - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tội phạm ma túy (TPMT) là thực trạng đã, đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian dài và cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt. Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở nên xâm nhập ma túy đa dạng khó tránh khỏi và rất phức tạp. Kiên Giang cũng chung thực trạng này và gây khó khăn trong quản lý.

Lực lượng công an và biên phòng đã hết sức quyết liệt trên đường bộ thì gần đây bắt đầu phát hiện việc vận chuyển ma túy trên biển. Đối tượng ném thẳng ma túy trên biển và cho ma túy trôi dạt theo con nước. Ngay trong tháng 12.2020, lực lượng chức năng kết hợp với ngư dân đã vớt được 100 kg ma túy tổng hợp trên biển. Trong năm 2020, lực lượng Công an bắt giữ 206 vụ, 266 đối tượng TPMT, tăng 30 vụ so năm 2019. Toàn tỉnh hiện có 2.966 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 647 người so với năm 2019, đây là con số đáng lo ngại.

Về giải pháp, đại tá Đỗ Triệu Phong cho rằng, đối với TPMT thì Công an đấu tranh thường xuyên, liên tục, chứ không chỉ căn cứ vào các đợt cao điểm. “Hiện chúng tôi cũng chỉ đạo các đợt cao điểm tấn công thực hiện các chuyên đề như bảo vệ Đại hội toàn quốc lần XIII của Đảng, Tết Tân Sửu 2021, trong đó có kế hoạch chỉ đạo Cảnh sát phòng, chống TPMT, không để phát sinh tội phạm, đường dây, ổ nhóm ma túy phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội địa phương”, đại tá Đỗ Triệu Phong cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn