MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thăm hỏi cuộc sống người dân Gia Lai. Ảnh: Đình Văn

Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người dân

ĐÌNH VĂN LDO | 02/12/2017 07:02
Thất nghiệp sau khi ra trường, chế độ vay vốn khó khăn, đầu ra nông sản bấp bênh... tất cả được cử tri hai huyện Ia Pa và Chư Pứh (Gia Lai) ngày 1.12, phản ánh với Đoàn ĐBQH Gia Lai. Tiếp nhận ý kiến, ĐBQH - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã chỉ đạo lãnh đạo huyện tháo gỡ, xử lý. Đồng thời, cam kết kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có quyết sách đầu tư, giúp đỡ người dân.

Học xong... thất nghiệp

Huyện Ia Pa là huyện nghèo của Gia Lai. Đời sống người dân ở đây còn khó khăn. Bày tỏ nỗi lòng với Đoàn ĐBQH, cử tri Chu Thị Hội (trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn) bộc bạch: Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách (NHCS) không thấy phân bổ về huyện, cho bà con vay phát triển sản xuất. “Ngân hàng ra điều kiện, vốn đầu tư phải đúng mục đích, nếu không đúng sẽ thu lại. Chúng tôi chỉ cần kinh tế phát triển là được, nếu không cho vay rõ ràng rất khó khăn cho dân” - bà Hội trình bày.

Đồng quan điểm, cử tri Trần Quốc Tuấn (công tác tại Huyện ủy Ia Pa) tâm tư, vì không tiếp cận được nguồn vốn từ NHCS, dẫn đến một số hộ “nôn nóng” phát triển kinh tế, vay ngoài với lãi suất “cắt cổ”, nợ nần đầm đìa.

Tình trạng học xong thất nghiệp được cử tri Rơ Mah Trim (trú xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) phản ánh. Ông nói, bố mẹ vay mượn, cầm cố gia sản cho con học đại học, cao đẳng, tuy vậy ra trường lại không có việc làm. “Tôi đề nghị ĐBQH xem xét, có quyết sách tạo điều kiện cho con em có việc để phục vụ địa phương...” - ông Trim kiến nghị.

Cử tri Trần Quốc Tuấn lo lắng khi tỉnh lộ 662 (huyện Ia Pa) hư hỏng, rách nát. Trong khi, Ia Pa chiếm tỉ trọng cao về nông nghiệp, con đường lại nối ra 2 nhà máy mì và mía..., nếu không được tu bổ, bảo dưỡng thì việc thu mua nông sản bị ách tắc, thương lái đẩy giá thu mua, thiệt hại nông dân chịu.

“Từ đó, tôi mong muốn ĐBQH và chính quyền có kế sách kêu gọi vốn đầu tư cho con đường để các phương tiện vào thu mua nông sản (mì, mía) được thuận lợi” - ông Tuấn nói. Đồng thời, ông cũng ưu phiền khi bờ kè của huyện Ia Pa sạt lở nghiêm trọng, cuốn phăng ruộng vườn người dân 4 xã.

Cần chia sẻ khó khăn cùng đất nước

Phân vân về chế độ hỗ trợ cho người cao tuổi (NCT, 80 tuổi trở lên), cử tri Huỳnh Ngọc Trí (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn) băn khoăn: “Tại huyện Phú Thiện, NCT hưởng trợ cấp là 270.000 đồng, còn huyện Ia Pa chỉ có 180.000 đồng. Cùng một tỉnh Gia Lai, vậy sao có chuyện khác nhau như thế, huyện nào đúng, huyện nào sai?”.

Tại huyện Chư Pứh, cử tri Ngô Văn Cảnh (trú thị trấn Nhơn Hòa) cho hay, toàn huyện có đến 70% số hộ dân làm nông nghiệp. Giá cả nông sản nhiều năm không ổn định, đặc biệt là hiện tượng tiêu chết... khiến nhân dân nợ nần chồng chất.

Tương tự, cử tri Hồ Thị Xinh (trú thôn Hòa Thắng, thị trấn Nhơn Hòa) lo lắng: “Không biết lấy đâu ra tiền đóng tiền lãi ngân hàng. Vay vốn để sản xuất, giờ mùa màng thất bát, tới đây, chúng tôi sợ không có tiền mà ăn, không có nhà mà ở... Mong ĐBQH tác động để ngân hàng khoanh, giãn nợ cho bà con”.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã chia sẻ khó khăn với bà con Gia Lai. Ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Gia Lai có động thái vào cuộc, tháo gỡ cho người dân.

Tiếp nhận ý kiến của Đoàn ĐBQH, đại diện NHNN Gia Lai cam kết giúp đỡ, đề nghị UBND hai huyện lập danh sách, kê khai diện tích, các hộ thiệt hại để làm báo cáo gửi ra NHNN T.Ư xử lý. “Với tư cách ĐBQH, tôi cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN khoanh, giãn nợ để người dân an tâm tái tạo đầu tư, ổn định cuộc sống” - ĐBQH Bùi Văn Cường cam kết.

Về việc kiến nghị nâng cấp, sửa chữa đường giao thông, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN xin ghi nhận, tiếp thu trình Chính phủ, đề xuất Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Gia Lai để xem xét, cân đối nguồn vốn để đầu tư cho địa phương. Tương tự, sẽ kiến nghị Bộ NNPTNT quan tâm xây kè, chống sạt lở.

Trước ý kiến việc cử tri đề xuất Nhà nước hỗ trợ chế độ cho các chức danh ở thôn, bản, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN mong muốn người dân chia sẻ khó khăn với... ngân sách T.Ư.

“Ngân sách nhà nước thì đang bội chi, buộc phải tinh giản cán bộ, sáp nhập các bộ, ngành... Ngay tại Gia Lai, ngân sách tỉnh thu chỉ 3.000 tỉ đồng nhưng chi lên 7.000 tỉ đồng, T.Ư phải cấp ngân sách về. Giờ kinh tế khó khăn thì mong bà con chia sẻ với đất nước” - đại biểu Bùi Văn Cường giải đáp.  

Với những vướng mắc cấp địa phương, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã yêu cầu Chủ tịch huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng và Phó Chủ tịch huyện Chư Pứh Nguyễn Minh Tứ giải trình, tháo gỡ. Về chế độ hỗ trợ NCT thiếu hợp lý, Chủ tịch huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng thừa nhận thiếu sót là của cơ quan cấp huyện.

“Nghị định 136/2013/NĐ-CP về “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội” đã được áp dụng, tuy vậy ngân sách tỉnh cấp về chưa đủ nên huyện còn áp dụng mức trợ cấp 180.000 đồng, phần còn thiếu trong 270.000 đồng sẽ được truy lĩnh cho những lần nhận sau” - ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn