MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Ảnh: Doãn Tấn

Kiến nghị giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống xã hội

Phạm Đông LDO | 04/11/2021 14:27
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh kiến nghị tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ thực hiện các kiến nghị giám sát.

Có chế tài xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện kiến nghị giám sát 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, làm rõ phạm vi, đối tượng giám sát tối cao, tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề nghị tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát. Đẩy mạnh công tác “hậu giám sát” với 2 nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Đồng thời, ông Lê Hồng Vinh nêu rõ cần thông báo sớm cho các địa phương kế hoạch giám sát để tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị triển khai phục vụ các Đoàn giám sát, bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, đạt được mục đích đã xác định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh.

Căn cứ tình hình thực tế đổi mới hiện nay, tất cả các địa phương đều phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả Đoàn ĐBQH và Hội đồng Nhân dân tỉnh đều phải tổ chức việc giám sát và Ủy ban Nhân dân là đối tượng chịu sự giám sát của cả 2 chủ thể nói trên.

"Để có thể dành thời gian cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương, đề nghị Đoàn ĐBQH và HĐND nên tổ chức làm việc chung với UBND, không nên tách thành các buổi làm việc riêng" - ông Vinh nói.

Giám sát việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên

Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ông Trần Quý Kiên nêu rõ, trong thời gian vừa qua, đơn vị đã đề xuất sửa đổi bổ sung một số bộ luật. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, bộ đã báo cáo Chính phủ về dự kiến đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi bổ sung 3 bộ luật, trong đó có Luật Đất đai đã được đưa vào.

Ngoài ra, còn luật về khoáng sản và tài nguyên nước cũng là những nguồn tài nguyên rất quan trọng. Trong đó, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên là nội dung quan trọng. Việc này cần có những chế tài, đưa vào những quy định mới, bổ sung để khuyến khích thực sự nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên, nhất là những tài nguyên không tái tạo. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ví dụ thời gian qua, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Theo đó, chỉ trong 3 năm, việc cấp quyền khai thác khoáng sản đá gần 30.000 tỉ đồng, tài nguyên nước thu về ngân sách 14.000 tỉ.

Liên quan đến việc tiếp công dân và giải quyết tố cáo, ông Kiên nhấn mạnh đây là vấn đề rất nóng bỏng. Trong 5 năm vừa qua, từ 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 17.241 đơn thư. Tuy nhiên những đơn thư trùng, không đủ điều kiện chiếm 98%. Đơn vị đã phân loại và thấy năm nhiều có gần 4.000 đơn thư, bình quân là 3.500 đơn thư/năm.

Trong đó, 5 năm qua, số đơn thuộc nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao chỉ có 107 đơn, số đơn thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ chiếm 129 đơn (đến thời điểm này đã giải quyết được 126 đơn).

Đặc biệt, vấn đề giải phóng mặt bằng tạo ra áp lực rất lớn lên các cơ quan của Bộ, nhất là ngành thanh tra. Trong đó, khi phân loại thì chiếm trên 90% việc phức tạp là do xác định nguồn gốc sử dụng đất. Đây là quá trình kéo dài, các cơ quan các cấp trước đây khi xác nhận, xử lý việc này chưa đúng, chưa đủ, chưa chuẩn quy định của pháp luật.

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, yêu cầu đặt ra là phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Do vậy, ông Hưng đề nghị tiết kiệm các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn