MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự với các thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. Ảnh: BQP

Kiến nghị sửa Bộ luật Hình sự để xử lý vi phạm khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Vương Trần LDO | 03/09/2023 11:00

Bộ Quốc phòng cho rằng, hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự xâm hại đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện nghĩa vụ quân sự với tính chất, mức độ tương tự hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Ninh liên quan tới kiến nghị sửa Bộ luật Hình sự (BLHS) để xử lý vi phạm sơ tuyển, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự tại Điều 332: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và Điều 335: Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tại Mục 1 của 2 Điều này hiện nay chưa có hành vi vi phạm trong công tác sơ tuyển, khám sức khỏe thực hiện NVQS.

Liên quan tới nội dung này, Bộ Quốc phòng cho hay, theo các quy định của pháp luật thì đăng ký NVQS và khám sức khỏe NVQS là hai hoạt động độc lập, riêng biệt; đăng ký NVQS không bao gồm việc khám sức khỏe NVQS.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30.6.2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS thì khám sức khỏe NVQS là việc “thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm NVQS đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện”.

Đối chiếu với các quy định trong Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19.2.2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe NVQS, Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4.10.2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; đồng thời, qua thực tiễn hoạt động đăng ký NVQS, gọi nhập ngũ hằng năm thì khám sức khỏe NVQS là hoạt động tiếp theo của việc đăng ký NVQS; trên cơ sở kết quả khám sức khỏe của từng công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra lệnh gọi công dân đó nhập ngũ nếu cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn khác về độ tuổi, chính trị, văn hóa.

"Như vậy, hoạt động khám sức khỏe NVQS là bước chuyển tiếp giữa hoạt động đăng ký NVQS và hoạt động nhập ngũ; nếu không thực hiện việc khám sức khỏe NVQS thì không thể nhập ngũ. Để thực hiện đầy đủ NVQS đối với Tổ quốc, công dân phải chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS" - Bộ Quốc phòng phân tích.

Bộ Quốc phòng cho rằng, hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS xâm hại đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện NVQS với tính chất, mức độ tương tự hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS, lệnh gọi nhập ngũ.

Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật NVQS năm 2015 đều có các quy định về trốn tránh NVQS, tuy nhiên đối chiếu với những quy định cụ thể trong 2 văn bản trên Điều 332, Điều 335 BLHS năm 2015 đã không quy định về hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn hoặc có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 332 BLHS năm 2015 theo hướng: “Người nào trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 335 BLHS năm 2015 theo hướng: “Người nào cố ý cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Theo Bộ Quốc phòng, với quy định như trên, khi áp dụng điều luật sẽ viện dẫn đến văn bản luật điều chỉnh lĩnh vực này là Luật NVQS nhằm đảm bảo tính toàn diện, bao quát cũng như sự hoàn thiện trong kỹ thuật lập pháp.

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện quy định của BLHS đối với các hành vi này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn