MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: M.H

Kiến nghị xử lý 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung

Phạm Đông LDO | 13/09/2021 16:28
Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền

Chiều 13.9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục Chính phủ được quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 1.10.2020 đến ngày 26.8.2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 91/99 văn bản.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.

Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung; 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số văn bản trái pháp luật đã phát hiện, không có văn bản quy định chi tiết.

Về hạn chế, bất cập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là Bộ Tài chính (7 văn bản).

“Trong số những văn bản nợ, có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết”, ông Tùng nói.

"Ban hành văn bản pháp luật sai thì rất nguy hiểm"

Cho ý kiến về báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần thống nhất giữa báo cáo và thẩm tra báo cáo để tránh nhắc lại nội dung của báo cáo những năm trước.

Cần tập trung nội dung chi tiết vào năm báo cáo có liên quan đến các luật, nghị quyết. Cần đi thẳng vào tổ chức thực hiện, triển khai văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Hùng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu làm rõ việc 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung; 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật là những văn bản nào, cơ quan nào xây dựng, ban hành; đánh giá tác hại của việc ban hành sai. Đồng thời phải nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; đánh giá được tác hại, hậu quả của việc ban hành sai; xử lý trách nhiệm cơ quan ban hành văn bản….

“Cơ quan công quyền mà ban hành văn bản pháp luật sai thì rất nguy hiểm. Tôi thấy cần phải cụ thể, đi sâu hơn, Chính phủ phải báo cáo kỹ hơn vấn đề này, cơ quan thẩm tra phải bám vào đây mà truy”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề cập vấn đề Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết đặc thù về cơ chế cho các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng…. Tuy nhiên, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện như thế nào thì chưa thấy Chính phủ báo cáo nào tổng kết đánh giá, trong khi vẫn tiếp tục ban hành các chính sách khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn