MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quốc hội

Kiến tạo chính sách để người lao động không còn long đong tìm chốn an cư

trần vương LDO | 03/10/2023 12:51

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đó là quy định liên quan tới đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên thí điểm quy định Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào cuối năm nay.

Huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây nhà ở cho NLĐ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) - Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Xã hội - cho rằng, hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại gần 400 khu công nghiệp. Tỉ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Trong khi đó, theo khảo sát đầu năm 2023 của Viện Công nhân - Công đoàn, có tới khoảng 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân cư với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, sinh hoạt lâu dài.

Theo đại biểu Nghĩa, trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, Điều 89, 90 và 95 của Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia xây dựng nhà lưu trú. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 78 đưa ra 2 phương án về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công đoàn viên. Trong đó, phương án 1 là cho phép và phương án 2 là không cho phép.

Đại biểu đề nghị giữ quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn.

"Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Trong giai đoạn trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. Đối với việc đầu tư xây dựng Nhà xã hội để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai” - Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.

Giúp công nhân, người lao động tìm chốn an cư phù hợp

Cùng nêu ý kiến về việc này, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên quy định việc Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư mảng nhà ở dành cho công nhân.

Bởi quy định như vậy đúng với chức năng, nhiệm vụ của Tổng LĐLĐ Việt Nam là đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, có thể hiểu nhu cầu về nhà ở của công nhân là một trong những nhu cầu thiết yếu, bức xúc nhất hiện nay, mà chưa được đáp ứng một cách hợp lý. Có được nơi ở phù hợp là một trong những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Tổ chức Công đoàn chăm lo đến nội dung này là hợp lý.

Cũng theo bà Nga, tổ chức Công đoàn có ưu thế trong việc khảo sát nắm bắt nhu cầu về nhà ở công nhân một cách chính xác nhất. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân), nhưng chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là việc “cung” và “cầu” chưa thực sự gặp nhau.

Có những dự án hoàn thành nhưng số công nhân tiếp cận được rất ít (do không có nhu cầu, do nhà ở chưa phù hợp với đối tượng công nhân cả về giá cả, vị trí địa lý, thiết kế, công năng...). Có những nơi công nhân tập trung đông nhưng số lượng các dự án nhà ở công nhân còn quá ít ỏi, khiến cho phần đông công nhân đều rất long đong, thậm chí khổ sở trong việc tìm cho mình một chốn an cư phù hợp.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV. Sau quá trình thảo luận, dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và thông qua dự án luật quan trọng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn