MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng, năm 2023 tăng trưởng trên 5%

PHẠM ĐÔNG LDO | 16/10/2023 11:05

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng

Sáng 16.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế với quý sau cao hơn quý trước (GDP quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ; quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68%.

“Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực”, báo cáo của Chính phủ cho biết.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỉ USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,24% so với cùng kỳ, thấp hơn kịch bản Chính phủ đề ra đầu năm; trong đó công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng là 1,65%.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; đầu tư của khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chỉ tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10%).

Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 21.9 chỉ đạt 5,91% so với cuối năm 2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Năm 2024, GDP dự kiến tăng 6-6,5%

Sang năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đặt ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%...

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản để góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030.

Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn (như chip, bán dẫn, hydrogen), hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn