MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố Hà Tĩnh ngày càng đổi thay với nhiều nhà cao tầng. Ảnh: Trần Tuấn.

Kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh dần phục hồi trong khó khăn

TRẦN TUẤN LDO | 20/01/2023 08:26

Hà Tĩnh - Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đây là năm có nhiều biến động phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo khi xây dựng kế hoạch nhưng bằng nhiều biện pháp quan trọng, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh vẫn trên đà phục hồi và đạt được những kết quả tích cực.

Dần phục hồi

Năm 2022, Hà Tĩnh có 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng/năm (kế hoạch 39 triệu đồng/năm); tổng thu ngân sách đạt 18.061 tỉ đồng (đạt 111,1 % dự toán). Trong đó, thu nội địa 8.767 tỉ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 9.294 tỉ đồng; thành lập mới trên 1.300 doanh nghiệp (kế hoạch hơn 1.000 doanh nghiệp)...

Có 6/26 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 3,98% (kế hoạch 8,5-9%); GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/người (kế hoạch 71 triệu đồng/người); tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 40.124 tỉ đồng (kế hoạch 43.000 tỉ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỉ USD (kế hoạch 2 tỉ USD)...

Về tăng trưởng kinh tế đạt thấp do khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,23% (công nghiệp giảm 8,66%, xây dựng tăng 24,88%), khu vực nông nghiệp tăng 0,83%, khu vực dịch vụ tăng 13,08%. Ngành công nghiệp chiếm gần 31,5% cơ cấu kinh tế, tăng trưởng giảm 8,66%, làm giảm 3,3 điểm % tăng trưởng chung.

Năm 2022 ngành du lịch Hà Tĩnh phục hồi tốt, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Trần Tuấn.

Nguyên nhân chính là do sản lượng điện và thép sụt giảm mạnh. Tỷ trọng sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chiếm khoảng 5% cơ cấu nền kinh tế, do sự cố Tổ máy số 1 làm giảm sản lượng điện sản xuất gần 2,1 tỷ kWh so với năm 2021 (giảm gần 39% sản lượng, giảm hơn 2 điểm % tăng trưởng chung).

Tỷ trọng sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh chiếm hơn 21% cơ cấu nền kinh tế, bắt đầu giảm sản xuất từ tháng 7 dẫn đến sản lượng thép cả năm chỉ đạt 4,3 triệu tấn, giảm gần 1,1 triệu tấn so với năm 2021 (giảm hơn 20%, giảm gần 2,4 điểm % tăng trưởng chung).

Năm 2022 cùng với sự cố Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh thì sản lượng thép của Công ty Formosa Hà Tĩnh giảm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Trong ảnh là hoạt động sản xuất thép của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, dù tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhưng đã có dấu hiệu tích cực khi 6 tháng cuối năm tăng gần 7,5%, trong khi 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 0,02% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá; cơ cấu lại nội ngành từng bước đi vào chiều sâu. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả quan trọng. Du lịch, dịch vụ phục hồi tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển.

“Về công tác quy hoạch, Hà Tĩnh là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch. Bản quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá cao về chất lượng, được xem là bản quy hoạch mẫu cho các tỉnh. Chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh” - ông Hải chia sẻ.

Quyết liệt các giải pháp để phát triển

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025. Bởi vậy, Hà Tĩnh phải kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ đầu năm.

Phải tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xúc tiến các dự án đầu tư lớn, có tính chất lan tỏa. Tích cực tháo gỡ, xử lý vướng mắc về đất đai và đầu tư. Thành lập các tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư, hướng vào “một đầu mối” để rõ trách nhiệm, rõ kiểm tra, rõ đánh giá.

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu.

“Phải xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp, nhà đầu tư” - ông Võ Trọng Hải nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt trên 8%,  GRDP bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 45.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD, thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.968 tỉ đồng....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn