MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh kỳ họp ngày khai mạc. Ảnh: MQ

Kỳ họp bất thường HĐND TPHCM: “Tuyên chiến” với phí không chính thức và tránh cào bằng thu nhập tăng thêm

THẾ LÂM - MINH QUÂN LDO | 16/03/2018 06:30

Nhiều vấn đề lớn đã được đưa ra bàn thảo, biểu quyết tại kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM ngày 15.3. Trong đó, các chương trình cải cách hành chính, đề án chi thu nhập tăng thêm… đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp.

Cải cách hành chính cần “tuyên chiến” với những loại phí không chính thức

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, trong cải cách hành chính, thành phố (TP) cần chọn một số nội dung đột phá, như tuyên chiến với những loại phí không chính thức mà doanh nghiệp hay kêu ca. “Để tăng chỉ số hài lòng của doanh nghiệp và người dân, phải có biện pháp tuyên chiến với phí không chính thức” - bà Châu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, hiện TPHCM mới công bố hơn 1.500 thủ tục hành chính (TTHC), vẫn còn hơn 500 TTHC chưa được công bố. Trao đổi lại, đại diện Sở Tư pháp TPHCM cho biết: 500 TTHC chưa được công bố là do còn chờ văn bản hướng dẫn từ các bộ chủ quản. Vị này đơn cử, Luật Xây dựng có hiệu lực từ năm 2015 nhưng Nghị định hướng dẫn đến ngày 15.1.2018 mới ban hành. Trong thời gian chờ, TPHCM áp dụng các văn bản hướng dẫn tương đương hoặc theo chuyên ngành và thường xuyên đề xuất với các bộ để được áp dụng trước, nhằm tháo gỡ vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn xử lý tại TP hiện là 5%. Mỗi năm TP giải quyết 14,5 triệu hồ sơ, như vậy có 725.000 hồ sơ trễ hạn. Tỉ lệ hài lòng trên 80% nhưng đi vào chi tiết thì có rất nhiều điều phải bàn. Lãnh đạo TP cũng chưa bao giờ hài lòng với những kết quả đạt được.

Chi tăng thêm thu nhập tránh tình trạng cào bằng và ai cũng có phần

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho rằng, chi tăng thêm thu nhập không thể cào bằng mà phải dựa trên cơ sở giải quyết công việc hiệu quả tại từng đơn vị, của từng cá nhân và gắn với việc tinh giản biên chế. Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của TP được tăng thu nhập phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, chứ không phải tất cả những người làm trong bộ máy nhà nước của TP đều được tăng thu nhập. Việc quyết định người nào được nhận hệ số điều chỉnh nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc “gắn với hiệu quả công việc” với bốn tiêu chí đánh giá. TPHCM hiện có khoảng 6.440 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn với khối lượng công việc rất nhiều và tính chất công việc cũng giống như đội ngũ CBCC cấp xã. Sở Tài chính đã đề xuất UBND TP chấp thuận cho các đối tượng này được hưởng cơ chế chi thu nhập tăng thêm nhằm tránh thiệt thòi, đồng thời động viên, khuyến khích được tinh thần làm việc.

Để có cơ sở đánh giá CBCCVC một cách chính xác, đại biểu Huỳnh Thanh Nhân cho rằng cần áp dụng theo KPI hiện nay đã được triển khai phổ biến tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức, rất rõ ràng và hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy bổ sung thêm, tiêu chí xây dựng KPI do từng đơn vị đưa ra nhưng TP cần có những tiêu chí chung, và cần rà soát sau một năm triển khai. Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang thì cho rằng, cần có biểu mẫu để đánh giá cán bộ hằng tháng theo phân cấp, đến cuối năm thì tổng hợp. Chứ mỗi năm đánh giá một lần, dễ quên, sẽ không chính xác.

4 tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc

- Thứ nhất, việc phân bổ thu nhập tăng thêm của đơn vị phải gắn chặt với việc giao khoán kinh phí và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đơn vị.

- Thứ hai, việc phân chia tăng thu nhập phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của CBCCVC hằng tháng, hằng quý.

- Thứ ba, việc chi trả tăng thu nhập phải theo hằng quý để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc của CBCC.

- Thứ 4, xác định vai trò của người đứng đầu trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, đánh giá CBCCVC để phân chia nguồn thu nhập tăng thêm đảm bảo sự đồng thuận trong đơn vị.

Trước mắt, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 được đề xuất như sau: Năm 2018: Tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn