MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh Q.H

Kỳ họp Quốc hội tới: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ quan trọng

VƯƠNG TRẦN LDO | 13/07/2018 19:34
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều nay (13.7), sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội họp phiên bế mạc. Tại đây, các thành viên của UBTV Quốc hội đã cho ý kiến, nhận xét về kỳ họp trước, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong việc tổ chức kỳ họp tới.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này dự kiến diễn ra trong hơn 20 ngày. Bắt đầu khai mạc vào ngày 22.10. Trong đó, Quốc hội dành hơn 10 ngày xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 6 dự án luật.

Cụ thể, Quốc hội thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu); luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Riêng đối với luật Đặc khu, ông Phúc cho biết, các đề án và nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế và kết luận của UBTV Quốc hội, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác sẽ được QH thảo luận trong 9,5 ngày. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ dành 1 ngày lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Phát biểu kết luận phiên họp thứ 25, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp thứ 6, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thực hiện với tất cả các thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ tướng, các phó Thủ tướng chứ không chọn riêng các Bộ trưởng.

Theo đó, chương trình chất vấn sẽ được đưa vào 1/3 thời gian còn lại của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh các dự án luật. Đối với Luật phòng chống tham nhũng, tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục, sát với thực tiễn.

Hoạt động chất vấn sẽ được diễn ra vào tuần gần cuối của kỳ họp để tăng tính hấp dẫn.

Liên quan tới hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Chú ý chuẩn bị hồ sơ ngay từ bây giờ và Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu ngay từ bây giờ chứ không đợi tháng 8, tháng 9. Ngay từ giữa tháng 7 phải bắt tay vào chuẩn bị nội dung lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Chúng ta hoàn thành nội dung trong tháng 8 và tháng 9 sắp tới, không dồn vào các phiên họp sát kỳ họp của Quốc hội”.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm những chức danh nào?

Theo điều 18 luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Uỷ viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Nếu có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì UB thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn