MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội sẽ miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: A.C

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Bàn cơ chế kiểm soát tài sản của người phải kê khai

XUÂN HẢI LDO | 23/10/2017 09:21
Hôm nay (23.10), tại Hà Nội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức được khai mạc. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian từ 23.10 - 24.11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày làm việc để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án luật. Cụ thể, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác.

Sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm 1 bộ trưởng và 1 trưởng ngành

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày làm việc để tiến hành công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, về các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông.

Về hoạt động giám sát của Quốc hội, do đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các báo cáo công tác. Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận tại đoàn và tại hội trường để xem xét, bỏ phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Quốc hội sẽ bàn về cơ chế kiểm soát tài sản của người có trách nhiệm kê khai

Tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội, sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Trao đổi với báo chí về việc Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được cho ý kiến tại kỳ họp lần này có điểm nào mới để khắc phục những hạn chế trong việc kê khai tài sản, ông Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho biết: Nhiều nội dung quan trọng sẽ được xem xét cho ý kiến, trong đó cơ chế kiểm soát tài sản của người có trách nhiệm kê khai.

Đề xuất nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Trưởng đơn vị HCKTĐB

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB).

Theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội, nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế đã được thông qua tại các kỳ Đại hội VIII, X, XI và XII của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo lực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để áp dụng đối với ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22.3.2017, cũng như tạo cơ sở pháp lý áp dụng đối với mô hình phát triển mới tại các đơn vị hành chính đặc biệt nêu trên, việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để điều chỉnh riêng là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho hay, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án thành lập đơn vị HCKTĐB, trong đó lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB Vân Đồn được tổ chức theo hướng không tổ chức HĐND và UBND mà được tổ chức là một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị HCKTĐB có bộ máy giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền trên cơ sở hợp nhất, sắp xếp lại cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền; nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Trưởng đơn vị HCKTĐB.

Quốc hội xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến vào 9 dự án luật

Các dự án luật được xem xét thông qua gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn