MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban chỉ đạo trung ương về PCTN (Ảnh: NT)

Kỷ luật trong Đảng: "Chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng"

Hải Thắng LDO | 25/06/2018 15:49
Sáng 25.6, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

Dự hội nghị còn có Chủ tịch Nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong PCTN

Điểm nhấn được ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhắc đến trong báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng chính là vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN được nâng lên.

Gắn đấu tranh PCTN với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã đạt những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước kiềm chế, ngăn chặn tiêu cực, suy thoái trong Đảng.

Đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả PCTN.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong kiểm tra, giám sát; lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó, đã quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Theo ông Trạc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan tham mưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và thực hiện quyết liệt, đổi mới công tác cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, chặt chẽ; giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; kiên quyết xóa bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy khen thưởng và các loại chạy khác trong công tác cán bộ đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng, với nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi.

Tuy nhiên, ông Trạc cũng nhìn nhận, các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả thấp.

Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN

Ban Chỉ đạo đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN. Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị "tha hóa".

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Một giải pháp được ông Trạc nhắc đến chính là các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn công tác PCTN với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng. Bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu.

Cùng với đó, theo ông Trạc, cần rà soát, hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, về những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới.

Tăng cường giáo dục kỷ luật, tăng cường chấp hành kỷ luật, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết kinh sợ, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát và ràng buộc. Xử phạt người trước răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Phải quán triệt và thực hiện phương châm: Phòng ngừa, giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng.

2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng

Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái).

Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 đồng chí Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.




Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn