MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp dân vùng lũ ổn định cuộc sống hồi tháng 10.2022. Ảnh: Quỳnh Trang

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam: Phát huy vai trò của Quân đội trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Đình Bắc - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng LDO | 22/12/2022 07:44

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có đủ năng lực quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ đang là yêu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy định về nhiệm vụ Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Nghị quyết 02 ngày 30.7.1987 của Bộ Chính trị khóa VI và nay là Quy định số 49-QĐ/TW, ngày 22.12.2021 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII quy định: Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đồng thời là Bí thư Quân ủy T.Ư; các đồng chí bí thư tỉnh uỷ (thành uỷ) tham gia đảng ủy quân khu và là bí thư đảng ủy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; chỉ huy trưởng, (chính ủy) bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) được cơ cấu bầu vào ban thường vụ tỉnh ủy (thành ủy), ủy viên ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cùng cấp; cấp huyện (quận) cũng cơ cấu như ở cấp tỉnh; đối với Bộ đội biên phòng, chỉ huy trưởng, (chính ủy) bộ chỉ huy biên phòng tỉnh tham gia ban chấp hành tỉnh ủy (thành ủy). Cơ chế này đã bảo đảm tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”, đồng thời cũng giúp phát huy tốt vai trò của quân đội trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cơ chế này cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp. Trong đó, cần thể chế hóa các quy định đối với việc lựa chọn, cơ cấu thành phần đại biểu quân đội tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc ở từng cấp;

Nâng cao trình độ, năng lực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội

Đây là nội dung, biện pháp rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của quân đội, đặc biệt với những cán bộ, chiến sĩ thường xuyên, trực tiếp tham gia công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân đội cần coi trọng giáo dục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ.

Trong đó, tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và năng lực tham mưu, hiệp đồng giữa các lực lượng quân đội và với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức, năng lực quản lý kinh tế - xã hội, quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng; hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào,...

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của “cơ quan quân sự địa phương các cấp làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương và là trung tâm phối hợp hoạt động của các đơn vị cùng đóng quân trên địa bàn”.

Đặc biệt, đối với cán bộ quân đội trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu về công tác quản lý nhà nước đối với các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; nhất là “nâng cao chất lượng thẩm định về quốc phòng đối với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong cả nước. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của các đơn vị kinh tế - quốc phòng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo”.

Mặt khác, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các tổ đội công tác bộ đội biên phòng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tham gia xây dựng, phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Bồi dưỡng, phát huy vai trò của các đơn vị kinh tế - quốc phòng giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục canh tác lạc hậu.

Hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các tổ chức, các lực lượng trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với vai trò và vị trí của mình, quân đội cần tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các thành phần và lực lượng khác theo hướng quy tụ và phát huy vai trò của tất cả các bộ phận trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Mặt khác, cần xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng nhằm bảo đảm sự nhịp nhàng, thống nhất và hiệu quả cao.

Theo đó, cần thống nhất quan điểm, nắm vững nội dung, yêu cầu và cơ chế, xác định rõ trách nhiệm tham gia, phối hợp và xây dựng kế hoạch phối hợp ở từng cấp giữa Quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn