MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Ảnh: T.Vương

Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3: Nữ đại biểu Quốc hội - minh chứng sinh động về bình đẳng giới

VƯƠNG TRẦN LDO | 08/03/2022 07:00

Trong số 499 người trúng cử ĐBQH khoá XV có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỉ lệ 30,26%. Đây cũng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%, cao nhất từ trước đến nay. 

Minh chứng sinh động về bình đẳng giới

Từ Quốc hội khoá I chỉ có 10 nữ đại biểu đến nay trong số 499 người trúng cử ĐBQH khoá XV có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỉ lệ 30,26%.

Đây cũng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%, cao nhất từ trước đến nay. 

Số lượng đại biểu Quốc hội phụ nữ ở Việt Nam đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị có 1 nữ là Uỷ viên Bộ Chính trị, 2 nữ là Bí thư Trung ương Đảng. Tại đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước nhiệm kỳ 2020-2025, cả nước có 9 nữ Bí thư Tỉnh uỷ. Cả nước có 13 nữ Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các trọng trách ở Trung ương và địa phương.

Trước đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV (2016-2021), Việt Nam lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội và 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ; ở cấp tỉnh có 6 nữ Bí thư tỉnh uỷ. Nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương. Đó là minh chứng sinh động cho tiến trình bình đẳng giới của Việt Nam.

Điều này cũng khẳng định, trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ Việt Nam không còn đơn thuần chỉ giữ vai trò “nội trợ”, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã khẳng định vai trò, vị trí và khả năng của mình trong xã hội. Trong đó có vị trí, vai trò trên chính trường.

Trước thềm ngày quốc tế phụ nữ (8.3), trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - cho hay, trong tiến trình bình đẳng giới, nhận thức của xã hội với người phụ nữ cũng có những sự thay đổi. Nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ cũng có những thay đổi, được nâng cao lên.

Thực tế đã chứng minh, những gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng có thể tham gia thực hiện được. Nhiều phụ nữ tham gia công tác xã hội và giữ những cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước.

Bà Thuý phân tích, về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tỉ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỉ lệ này ngày càng tăng.

Điển hình, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên. Từ 3% tỉ lệ nữ ĐBQH khoá I thì đến khoá XV, con số này đã tăng lên hơn 30%.

“Tại nhiệm kỳ 2021-2026, tại Quốc hội tuy không có lãnh đạo Quốc hội là nữ như nhiệm kỳ trước nhưng tỉ lệ Phó Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội là nữ tăng lên nhiều. Đặc biệt ở những lĩnh vực trước đây hiếm thấy bóng dáng phụ nữ như Uỷ ban Tài chính ngân sách hay Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường đều có phụ nữ làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.

Hay trong Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng có nữ đại biểu là Uỷ viên Thường trực. Điều này cho thấy phụ nữ ngày càng tham gia và được giao những nhiệm vụ, trọng trách quan trọng” - nữ ĐBQH nói.

Phát huy vai trò của phụ nữ

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, trong xã hội hiện đại, việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trọng những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để thực thi các quyền con người khác. Việc tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng trao đổi, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phân tích, phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động quốc gia chiếm gần 50%. Điều đấy cho thấy rằng, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển kinh tế của đất nước là rất quan trọng.

Cùng với đó, nếu nhìn vào tỉ lệ nữ lãnh đạo doanh nghiệp, nữ đại biểu quốc hội, nữ sinh ở các cấp học… thì thấy ngay đã có những cải thiện rất đáng kể vị thế của phụ nữ trong xã hội. 

Theo TS Hồng, hiện nay, phụ nữ Việt Nam chiếm 30% đại diện của mình ở trong Quốc hội. Tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lãnh đạo các cơ quan Chính phủ còn khá ít, chỉ có 2 bộ trưởng, trưởng ngành/22 bộ trưởng, trưởng ngành là nữ. So với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thì tỉ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn hết sức khiêm tốn.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo ra một bước chuyển biến mới cả về lượng và chất trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ nước ta, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền bình đẳng nam nữ trên thực tế.

Tuy vậy, để đạt được bình đẳng thực chất, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị trí của phụ nữ; sự cam kết và đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trong việc nâng cao vị thế, vai trò người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.

Theo đó, cần tăng tỉ lệ phụ nữ ứng cử chính thức trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lên để bảo đảm quyền của phụ nữ có đại diện ngang bằng trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, cần bổ nhiệm thêm phụ nữ vào các vị trí quy hoạch ứng viên tiềm năng, đồng thời thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế kinh tế để góp phần tăng tính đại diện của phụ nữ lãnh đạo, quản lý. Sự cải cách và sáng tạo từ môi trường kinh tế lành mạnh có thể mang đến những tập quán mới, tạo ra nhiều cơ hội cho sáng kiến, chấp nhận những giá trị mới, qua đó tăng sự thừa nhận xã hội với việc phụ nữ lãnh đạo, quản lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn