MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ký ức người cựu đội trưởng từng tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập năm 1945

Lan Nhi - Phạm Đông LDO | 01/09/2020 08:07

Trong ký ức của người cựu Đội trưởng Đội Công an Phạm Gia Đốc, ngày 2.9.1945 là một mốc son đặc biệt. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời ông, khi được nhận nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài Độc lập năm 1945.

Nhiệm vụ bí mật của ông Đốc

Trong căn nhà nhỏ của mình trên phố cổ những ngày cuối tháng 8.2020, ông Phạm Gia Đốc (sinh năm 1924, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã dành nơi trang trọng nhất để treo bức ảnh lịch sử vốn quý nhất đời ông. Đó là bức ảnh do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Khoản bấm máy vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại thời điểm đó, ông Phạm Gia Đốc chính là Đội trưởng Đội Công an năm xưa từng tham gia bảo vệ lễ đài Độc Lập năm 1945. 

Ông Phạm Gia Đốc - từng tham gia bảo vệ Lễ đài Độc lập chia sẻ với Lao Động. Ảnh: Lan Nhi

Theo chia sẻ, từ khi mới 19 tuổi, ông Phạm Gia Đốc đã tham gia cách mạng. Thời điểm đó, ông đang là công nhân nhà máy điện Yên Phụ. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đơn vị Sở Công an Bắc Bộ được thành lập với nhiệm vụ chính là bảo vệ chính quyền cách mạng mới.

Là cán bộ ưu tú, ông Đốc và một số cán bộ khác được ông Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ mời đến để bàn chuyện. Khi đó, ông Đốc vinh dự được đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an, cùng với 10 chiến sĩ tại đơn vị nhận nhiệm vụ bảo vệ lễ đài vào ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào.

Bức ảnh kỷ niệm về ngày Quốc Khánh đầu tiên của dân tộc mà ông Đốc còn lưu giữ. Ảnh: Lan Nhi.

“Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ nên tôi và đồng đội chỉ được thông báo trước hôm diễn ra sự kiện lịch sử đúng 3 ngày. Là cán bộ ưu tú, tôi được ông Chu Đình Xương - Giám đốc sở Công an Bắc Bộ tuyển chọn làm Đội trưởng Đội Công an tham gia bảo vệ lễ đài.

Ngoài những tiêu chí cốt lõi như lý lịch trong sạch, bản lĩnh cách mạng vững vàng... thì các đồng chí được đứng trong đội hình phải có hình thể, thể lực tốt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra” - ông Đốc kể lại với PV Lao Động.

Cũng theo chia sẻ, từ lúc nhận nhiệm vụ, ông Đốc rất vinh dự, vui sướng, cùng với đó là sự hồi hộp lo lắng. Chính nhiệm vụ quan trọng này đã làm ông mất ăn mất ngủ. Từ lúc đó, ông Đốc và các chiến sĩ trong đội bảo vệ được lệnh “cắm trại”, ăn ở luôn tại Sở Công an Bắc Bộ cho đến khi hoàn thành công việc.

Hai ngày trước khi diễn ra buổi lễ, Đội Công an của ông Đốc được đưa đi xem xét, ghi nhớ từng vị trí đứng canh gác. Lúc này, ông Đốc mới thực sự nắm rõ nhiệm vụ của mình, của từng anh em trong đội tại khu vực Vườn hoa Ba Đình.

Ông Đốc giới thiệu những tư liệu quý giá về lễ Độc lập năm 1945. Ảnh: Lan Nhi.

Những giây phút thiêng liêng nhất

Trong ký ức của ông Phạm Gia Đốc, buổi lễ mít tinh diễn ra từ lúc 14h ngày 2.9.1945 nhưng Đội bảo vệ lễ đài của Sở Công an Bắc Bộ đã có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Lực lượng bảo vệ được dàn thành ba lớp. Lớp bảo vệ gần lễ đài, gần Bác Hồ nhất là của các chiến sĩ Giải phóng quân ở chiến khu mới về.

Đội Công an của ông Đốc đứng ở vòng thứ hai, cách lễ đài 2m, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời. Còn vòng ngoài cùng là lực lượng của mặt trận Việt Minh bao gồm các Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc...

“Suốt thời gian diễn ra buổi lễ, tôi cùng tất cả đồng chí tham gia bảo vệ lễ đài đều đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía trước. Tất cả mọi người không được phép rời tầm nhìn khỏi đám đông trước mặt và bảo vệ các vị trí xung yếu.

Mỗi lần nghe giọng của Bác cất lên, tôi chỉ ước được một lần quay lại để nhìn Bác nhưng vì quy định của tổ chức, nhiệm vụ được giao đã quán triệt nên tôi không được phép lơ là. Với tôi việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lễ đài độc lập chính là niềm vinh dự lớn nhất trong đời” - ông Đốc tâm sự.

Năm 2018, ông Đốc được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Phạm Đông

Sau ngày độc lập, ông Đốc tiếp tục tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Là thế hệ lão thành cách mạng, ông Đốc hi vọng rằng, thế hệ trẻ của nước nhà tiếp tục học tập, tu dưỡng đạo đức, tránh xa những tiêu cực để giữ gìn nền độc lập tự do mà bao thế hệ đi trước đã gây dựng nên.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2018, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

"Vào dịp Quốc khánh 2.9 hàng năm, tôi lại cùng các con cháu quây quần bên mâm cơm gia đình, và kể lại những giây phút  vinh dự, hạnh phúc nhất đời tôi, khi đứng dưới lễ đài nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập" - ông Đốc chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn