MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đình Tân Trào (Tuyên Quang) nơi ghi dấu những tháng ngày tiền Tổng khởi nghĩa của Bác Hồ, cũng như đã diễn ra sự kiện Quốc dân Đại hội mà sau này được ví như tiền thân của Quốc hội ngày nay.

Ký ức về Bác từ chiến khu xưa

Phong Quang LDO | 19/08/2021 06:17

Ký ức về Bác là một cụ già dáng gầy mảnh dẻ, nước da rám nắng, đi dép cao su, bộ quần áo chàm đã sờn màu nhưng nụ cười thân thiện, luôn ân cần thăm hỏi mọi người... Mãi về sau, người ta mới biết đó là vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Dân làng gọi Bác là "Bộ đội ông già"

Đó là chiều 20.5.1945, sau 17 ngày vượt núi băng rừng, Bác Hồ và đoàn cán bộ cách mạng về tới làng Chạp, xã Trung Sơn, Tuyên Quang.

Khi ấy, ông Hoàng Văn Tam mới là cậu bé 15 tuổi, còn tò mò, ngại ngùng khi gặp người lạ. Ông Tam nhớ, cả làng Chạp chỉ có chục hộ dân, biết tin đội đội về mọi người đều háo hức ra đón.

Rồi ánh mắt ông rực sáng như được sống lại giờ phút đó: "Lúc bấy giờ, không ai biết đó là Bác. Chỉ thấy trong đoàn bộ đội, có một cụ già dáng người mảnh dẻ, nước da rám nắng, mặc bộ áo chàm, trên vai vắt chiếc khăn mặt trắng, một tay cầm túi xách, một tay vẫy chào bà con rất thân thiện".

Cụ Hoàng Văn Tam (làng Chạp, xã Trung Sơn, Tuyên Quang) hào hứng khi nhắc tới những ký ức về Bác. Ảnh: Giang Lam (tư liệu)

Bác thân thiện lắm, gặp dân làng là luôn cười tươi, ân cần thăm hỏi. Vì không biết đó là Bác Hồ nên mọi người chỉ biết gọi với cái tên gần gũi "Bộ đội ông già".

Ông Tam cùng nhóm thiếu niên được giao nhiệm vụ nấu nước cho bộ đội uống. Ông vẫn nhớ khi đun nước xong, có chú bộ đội tên Văn (Võ Nguyên Giáp) bảo: “Chú bé mang nước vào cho bộ đội ông già”, đó là lần đầu ông Tam được tiếp xúc gần Bác đến vậy.

"Bác nhẹ nhàng bảo tôi vào gọi đồng chí Trần Tùng khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Giải phóng Lâm thời Châu Hồng Thái để Bác gặp. Thế nhưng, đồng chí Trần Tùng lúc đó đang lên cơn sốt rét. Bác Hồ biết chuyện, lập tức sai người mang 3 viên thuốc ký ninh cho đồng chí Tùng uống” - ông Tam kể lại.

Sáng hôm sau, Bác và đoàn cán bộ rời làng Chạp đến Tân Trào. Dân làng tiễn đến tận con suối sâu, đó cũng là lúc ông Tam được chứng kiến sự quan tâm của Bác tới bộ đội mình: "Khi qua suối, trong đoàn có một người bị đau chân, sau này tôi mới biết đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bác đã nhường ngựa của mình để đồng chí đó di chuyển dễ dàng hơn".

76 năm đã trôi qua, cậu thiếu niên ngày nào giờ đã 91 tuổi nhưng trong ký ức vẫn vẹn nguyên hình ảnh về "Bộ đội ông già" thân thiện hết đỗi giản dị mà sau này dân làng mới biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

"Ông Ké" cách mạng

Cái tên "Ông Ké" như một mật danh do yêu cầu của cách mạng lúc đó nhưng cũng là tình cảm và sự yêu mến của dân làng Kim Long dành cho Bác bởi sự gần gũi, giản dị của Người. Cái tên làng Tân Trào cũng là do Bác đặt thay cho tên làng Kim Long với mong muốn người dân có cuộc sống mới, ấm no hơn.

Ánh mắt ông Ngọc như xa xăm, xúc động khi nhớ về từng việc Bác đã làm cùng dân làng: "Ông Ké đi ra ruộng còn lo đắp từng cái bờ để giữ nước cho dân làm ruộng. Ông Ké hỏi thăm, căn dặn từng chút từ người già đến trẻ nhỏ... Trước nay, không ai có những cử chỉ, lời nói đi vào lòng người như vậy".

Cụ Hoàng Ngọc năm nay đã 85 tuổi, một trong những vị bô lão cuối cùng còn lại của làng Tân Trào được gặp và tiếp xúc với Bác 76 năm về trước. Ảnh: P.Q

Giọng ông Hoàng Ngọc như trùng xuống khi nhớ về một lần Bác ốm nặng: "Bác ở trên lán Nà Nưa. Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện thiếu thốn đã khiến Bác sốt cao, lúc mê lúc tỉnh. Mọi người lo lắm, tìm đủ cách để chữa cho Bác. Rồi một cụ lang người Tày sau khi bắt mạch đã vào rừng lấy một loại củ, nướng lên, giã hoà với cháo loãng cho Bác uống. Qua vài ngày, Bác dần khoẻ lại".

Quốc dân Đại hội Tân Trào, diễn ra tại Đình Tân Trào (ngày 16, 17, 18.8.1945) quyết định Tổng khởi nghĩa. Ông Ngọc nhớ lại: "Chưa khi nào dân làng thấy nhiều người như vậy, đại biểu cả nước mà. Vinh dự lắm, lúc đó, tôi được Bác chỉ định là một trong những đội viên nhi đồng cứu quốc đầu tiên ở Tân Trào".

"Đại hội thành công, dân làng cử đoàn đi chúc mừng có phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên mang theo gạo, gà và 1 con bò để chúc mừng. "Ông Ké" ân cần xuống chào hỏi, nói chuyện và cảm ơn dân làng đã ủng hộ cách mạng, ủng hộ Đại hội" - ông Hoàng Ngọc nhớ lại.

Khi ấy, Bác nhìn xuống những cháu thiếu nhi gầy gò, áo quần rách rưới: “Đây này, chúng ta phải làm thế nào để các cháu đây có cơm no, áo mặc, phải được học hành, nhân dân phải được tự do, ấm no hạnh phúc”. Đó là câu nói ấm áp, đầy tình yêu thương của Người đã khắc sâu trong ông Ngọc.

Rồi cách mạng thành công, Bác rời Tân Trào về Hà Nội đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Nhưng đối với ông Hoàng Ngọc và những người dân làng Tân Trào, thời gian được gần Bác vẫn là những ngày tháng không bao giờ quên. Bởi với họ, nhờ có "Ông Ké" cách mạng mà dân làng mới có được cuộc sống ấm no, giàu đẹp cho bao thế hệ con cháu như ngày nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn